Những sắc màu văn hóa đó là phong tục, tập quán, nét đẹp trang phục, lời ăn tiếng nói, sự độc đáo của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu truyền trong Nhân dân. Nhờ sự tác động qua lại mà một mặt thu hút khách du lịch, một mặt bảo tồn, giới thiệu và quảng bá nét văn hóa đặc trưng.
Bản du lịch cộng đồng của người Mường xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) chào đón khách du lịch bằng dàn chiêng đậm đà bản sắc.
Câu chuyện về bản làng Mường Đá Bia, nay thuộc xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) trở nên kỳ bí và hấp dẫn với "quán tự giác” - nét văn hóa riêng của cộng đồng người Mường Ao Tá. Những quán tự giác không có người trông coi mà chẳng có bất cứ món hàng nào hay tiền bị lấy cắp. Còn giờ, không còn câu chuyện huyền bí nào nhưng nhờ ý thức xây dựng của cả cộng đồng và khách du lịch nên mô hình quán tồn tại như một nét đẹp. Quán không chỉ ra đời với mục đích bán hàng mà ở đó lưu giữ câu chuyện gây tò mò, chú ý, nơi du khách được trải nghiệm việc mua hàng tự giác mà chẳng thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Những bậc cao niên ở đây cho biết, loại hình "quán tự giác” đã có từ rất lâu đời, trở thành niềm tự hào và minh chứng cho tinh thần tự giác, tính gắn kết cộng đồng.
Ngược lên 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), du khách thích thú và ấn tượng với việc gìn giữ trang phục của người Mông. Tại nơi sinh sống tập trung của cộng đồng dân tộc Mông, bà con không chỉ lưu giữ nét văn hóa đặc sắc mỗi khi xuống chợ, dịp lễ, Tết mà người Mông ở Hang Kia, Pà Cò sử dụng trang phục gần như quanh năm, kể cả lúc làm nương rẫy. Váy áo của phụ nữ, quần áo của đàn ông trong gia đình do chính chị em người Mông tự làm, chủ yếu theo phương thức thủ công, nguyên liệu từ sợi lanh trồng trong vườn nhà hoặc lấy trên rừng. Đặc biệt gần đây, chợ đêm giao lưu văn hóa dân tộc Mông xã Pà Cò được đưa vào hoạt động thử nghiệm. Bên cạnh việc hình thành sản phẩm du lịch mới, phiên chợ còn đề ra quy định con em đến chợ phải mặc trang phục của người Mông. Theo đồng chí Sùng A Màng, việc bảo tồn nét văn hóa qua trang phục dân tộc được người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò gìn giữ gắn với phát triển du lịch. Thông qua đó, thu hút và giúp du khách có trải nghiệm về sự cầu kỳ, tinh xảo của trang phục dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Sắc màu văn hóa còn hiện hữu ở nhiều địa phương với những bản của người Mường, người Thái, người Dao còn giữ được những phong tục, tập quán đẹp và nếp nhà sàn nguyên bản. Các bản làng này đã nỗ lực bảo tồn bản sắc gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Có thể kể đến bản DLCĐ người Mường xóm Lũy Ải - xã Phong Phú, xóm Chiến - xã Vân Sơn, xóm Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường (Tân Lạc); xóm Mỗ - xã Bình Thanh, xóm Tiện - xã Thung Nai (Cao Phong); bản DLCĐ người Thái xóm Lác - xã Chiềng Châu, xóm Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, xóm Hịch - xã Mai Hịch, xóm Bước - xã Xăm Khòe, xóm Nà Phòn - xã Nà Phòn; bản DLCĐ người Mông xóm Hang Kia - xã Hang Kia, xóm Chà Đáy - xã Pà Cò (Mai Châu); bản DLCĐ người Dao xóm Sưng - xã Cao Sơn (Đà Bắc)…
Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu đặc trưng miền núi cao, những phong tục tập quán, bản sắc văn hoá tạo sức hút đặc biệt cho các điểm đến DLCĐ. Hoạt động DLCĐ đóng góp đáng kể cho tổng thu từ khách du lịch toàn tỉnh. Trong cơ cấu thu từ khách DLCĐ của tỉnh, khách quốc tế đóng góp 34,7%, khách nội địa 65,3%. Cùng với các chương trình xây dựng phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật…, tỉnh đã, đang tăng cường xây dựng các chương trình văn nghệ, hỗ trợ trang bị thiết bị âm thanh, nhạc cụ dân tộc, chiêng Mường, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn và mở lớp truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hoá tại các điểm đến DLCĐ.
Bùi Minh