Dù không được xếp vào 7 ngọn Thất Sơn, nhưng núi Trà Sư (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn ẩn chứa những câu chuyện linh thiêng, sở hữu tầm nhìn thoáng đãng xuống đồng bằng. Đến với ngọn núi này, bạn sẽ có trải nghiệm rất đặc biệt về hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người dân, thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Đây là lần thứ 2, tôi chinh phục núi Trà Sư. Với độ cao khoảng 150m, núi Trà Sư không được xem là quá hùng vĩ. Tuy nhiên, leo tới đỉnh núi giữa trưa nắng gắt cũng là thử thách khó khăn với bất cứ ai. Từ đồi bằng lăng, tôi bắt đầu hành trình với đủ đồ đạc lỉnh kỉnh. Đồi bằng lăng mùa này xanh um màu lá, che mát lối đi phủ đầy rêu. Những tháng đầu mùa mưa, bông bằng lăng nở rộ. Cả núi rừng choáng ngợp với vẻ đẹp tinh khôi. Bởi thế, nếu có dịp, bạn hãy đến núi Trà Sư vào mùa bông bằng lăng nở, để thấy hết vẻ đẹp của nơi này!
Qua khỏi đồi bằng lăng một đoạn, sẽ gặp ngay mộ của sư ông Lê Nhựt Long (dân gian gọi là ông Đạo Xom), người từng hốt thuốc trị bệnh cho Đức Huỳnh Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo. Gần đó là điện Huỳnh Long, một di tích nổi bật, liên quan đến Đức Huỳnh Giáo chủ. Trong điện Huỳnh Long, người ta còn lưu giữ bộ vạt tre mà ngài nằm trong những ngày chữa bệnh. Do đây là di tích liên quan đến Đức thầy, nên khá nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lui tới cúng viếng.
Góc nhìn thoáng đãng trên núi Trà Sư
Qua khỏi điện Huỳnh Long, bước chân tôi bắt đầu ì ạch. Chiếc ba lô thường khi là vật bất ly thân, giờ chỉ muốn quăng lại nơi nào đó cho đỡ nhọc. Càng lên cao, trời càng trưa, mồ hôi đổ càng nhiều. Thi thoảng, tôi bắt gặp những đoàn người đi xuống trò chuyện râm ran cả núi rừng. Dừng chân nghỉ lại bên mỏm đá có tầm nhìn thoáng đãng, tôi gặp nhóm học sinh lên núi chơi vào dịp cuối tuần. Các em cho biết mình là dân địa phương, muốn khám phá vẻ đẹp của núi Trà Sư. Ngoài ra, các em muốn có những tấm ảnh đẹp tại núi Trà Sư để khoe với bạn bè.
Chia tay nhóm bạn trẻ, tôi đi một mạch lên đỉnh núi. Vẫn là ngôi miếu Chánh Soái Đại Càng chễm chệ trên mỏm đá cao nhất đỉnh. Ông Lư Ngọc Hùng, thủ từ miếu Chánh Soái xởi lởi mời tôi ly nước mát. Câu chuyện giữa 2 người bạn - một già, một trẻ - vô cùng rôm rả, bởi tôi và ông còn gặp lại nhau sau đại dịch là niềm vui trong cuộc sống. Thỉnh thoảng, người đến cúng viếng tới trao đổi với ông vài câu chuyện về ông Chánh Soái. Thực sự, việc trên đỉnh núi có ngôi miếu thờ vị thần thuộc hàng “binh gia” trong tín ngưỡng dân gian cũng là điều khá đặc biệt so với nơi khác.
Bước ra khỏi miếu, bạn sẽ cảm nhận được sự tươi mát của thiên nhiên khi những cơn gió vi vu thổi tới. Trông về phía xa xa là núi Két, tảng đá có hình thù độc đáo làm nên tên gọi. Dưới chân núi là thị trấn Nhà Bàng sầm uất với những mái nhà san sát nhau và dòng xe tấp nập lưu thông.
Ông Lư Ngọc Hùng cho hay, vào tháng hành hương, lượng khách tham quan đổ về Tịnh Biên đông đến mức ở trên đỉnh núi Trà Sư vẫn có thể nghe được tiếng còi xe. Hơn 20 năm gắn bó với ngọn núi này, ông Hùng hiểu rõ từng lối đi, kẽ đá. Ông cho biết, động vật ở núi Trà Sư không còn phong phú, chỉ thỉnh thoảng có mấy con gà rừng gáy te te nghe vui tai.
Chia tay người bạn cũ, tôi trở xuống núi với lời hẹn sẽ ghé thăm khi có dịp. Để khám phá hết núi Trà Sư, tôi quyết định đi xuống bằng một con đường khác, thay vì lối đã đi lên trước đó. Lần này, tôi đi ngang qua một số địa điểm (hang Ông Hổ, miếu Đá Lăn, miếu Thần Nông, miếu Bà Chúa Sơn Lâm…), nơi nào cũng có huyền thoại tín ngưỡng riêng.
Với miếu Đá Lăn, người dân địa phương kể rằng, ngày 25/7/1991, có 2 hòn đá từ trên đỉnh núi lăn xuống. Điều kỳ lạ là 2 hòn đá nặng hàng tấn va vào miếu Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, nhưng không làm miếu hư hại nhiều. Những ngày sau đó, 2 hòn đá vẫn yên vị, không di chuyển thêm. Thấy vậy, người dân lập miếu thờ, hương khói cho tới ngày nay.
Mỗi điểm tín ngưỡng đi qua, tôi đều thấy khá đông người dân đến hành hương, chiêm bái. Có lẽ, sau những biến cố của cuộc sống, người ta mong muốn tìm nơi gửi gắm niềm tin, để có thêm động lực cho cuộc sống sau này. Giữa núi rừng Trà Sư tĩnh lặng, nén hương tỏa làn khói trắng vào không gian trầm mặc, khiến cho lòng người nhẹ lại, buông bỏ muộn phiền trong cuộc sống.
Xuống đến chân núi, nắng trưa chang chang đổ. Mồ hôi thánh thót, tôi tạm biệt núi Trà Sư với những trải nghiệm vô cùng thú vị. Quả thật, dù không thực sự hùng vĩ, nhưng núi Trà Sư vẫn có kỷ niệm đáng nhớ về thiên nhiên, cảnh vật, nhất là huyền thoại đậm tính dân gian, xứng đáng là điểm đến cho người đam mê khám phá, tìm hiểu về vùng đất Bảy Núi vốn ẩn chứa nhiều huyền thoại tâm linh.
Thanh Tiến