Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”, Hội An đang nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị nghề, làng nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian
Hội An đang nỗ lực tạo sự nối tiếp, trao truyền các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống. Ảnh: Phan Sơn
Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tại Hội An có 4 nghề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm nghề yến Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và rau Trà Quế.
Anh Nguyễn Viết Lâm, một thợ trẻ ở làng gốm Thanh Hà chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi tiếp nối nghề làm gốm của gia đình. Bên cạnh dòng sản phẩm gốm truyền thống, tôi cũng đã tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm mới, góp phần thu hút du khách đến làng gốm tham quan, tìm hiểu”.
“Hội An đã chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để xây dựng hồ sơ tham gia “Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO”. Thành phố sẽ xây dựng đề án dài hạn về tầm nhìn và kết nối với những chính sách của Trung ương, tỉnh để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian. Qua đó, tạo nguồn lực cho văn hóa Hội An phát triển, đồng thời giúp định vị Hội An dù là thành phố nhỏ nhưng có tầm vóc sáng tạo trong nước và quốc tế”.
(Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - Nguyễn Văn Lanh)
Ông Quý cho hay, TP.Hội An đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận đối với nghề làm nhà tranh tre, dừa Cẩm Thanh và nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, hiện nay, ở Hội An có nhiều nghề thủ công truyền thống đã bị thất truyền. Cùng với đó, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến lịch sử ngành nghề, các kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác, sản xuất, các tri thức, ký ức dân gian có liên quan cũng bị mai một.
“Tôi nghĩ việc cần thiết nhất hiện nay là phải tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và áp dụng công nghệ số để tư liệu hóa các đối tượng, bộ phận di sản nghề, làng nghề. Bên cạnh đó cần có cơ chế để thu hút đội ngũ thợ trẻ, có chế độ hỗ trợ, tôn vinh nghệ nhân để họ trao truyền những giá trị truyền thống và tinh hoa nghề. Tiếp tục đầu tư cũng như tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành để phát triển các làng nghề, tạo thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách” - ông Quảng Văn Quý nói.
Trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VHTT & truyền thanh - truyền hình TP.Hội An nói, những năm qua trung tâm đã mở các lớp dạy hát dân ca trong trường học, trong khu phố cổ, lớp truyền vai hát bội dành cho thiếu nhi; tổ chức hội thi “Hô hát bài chòi”, tổ chức biểu diễn, giới thiệu bài chòi tại các sự kiện trong nước và quốc tế... Đặc biệt, trò chơi bài chòi được tổ chức hằng đêm trong khu phố cổ đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm.
“Khó khăn nhất hiện nay là nguồn nhân lực trên lĩnh vực này ở Hội An còn hạn chế, lực lượng văn nghệ sĩ, đội ngũ kế thừa cũng chưa nhiều. Trung tâm đang tập trung xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật dân gian để tham mưu UBND thành phố. Trong đó sẽ có những cơ chế, chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân tài, đồng thời thổi vào họ niềm đam mê để nối tiếp những giá trị mà cha ông để lại” - bà Trương Thị Ngọc Cẩm cho biết.
Phan Sơn