Bên hiên những ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên vẹn, nắng thu chiếu xuyên qua khung cửi dệt vải thổ cẩm khiến mọi đường nét, sắc mầu trở nên bừng sáng. Ở đó, những người phụ nữ đồng bào dân tộc Lự với nét đặc trưng là hàm răng đen nhánh hạt na, đôi tay thoăn thoắt dệt, thêu còn ánh mắt, nụ cười đã gửi nơi bậc cửa, chào đón khách xa…
Người Lự bên khung dệt. (Ảnh Mai Lữ)
Đều đều khung cửi…
Cách thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu khoảng 15km về phía đông nam, Khu du lịch Bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) là điểm đến đầy thú vị và đang thu hút đông đảo khách du lịch. Ngoài vẻ đẹp của rừng già, nơi đây còn những thung lũng hoa, cánh đồng chè, cầu tình duyên, hang động… và dịch vụ lưu trú, ẩm thực, văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc của đồng bào Lự.
Theo số liệu điều tra, Lự là một dân tộc rất ít người ở nước ta với tổng số dân chưa đến 6.000 người, chủ yếu sống tại tỉnh Lai Châu. Người Lự có truyền thống làm ruộng từ lâu đời. Ở bản Thẳm, ngoài trồng lúa, đồng bào còn trồng ngô, khoai, các loại cây ăn quả, dược liệu. Bên trong từng nếp nhà sàn, không thể thiếu những khung cửi để phụ nữ người Lự dệt khăn, váy áo với hoa văn cầu kỳ, mầu sắc rực rỡ, tinh tế trên nền vải nhuộm chàm. Nhà có khách, chị Vàng Thị Tàng tạm ngừng dệt, hào hứng khoe bộ váy mới còn dang dở. Niềm vui của những người phụ nữ thật bình dị. Khi không làm nông, chăn nuôi thì họ ngồi bên khung cửi. Khi trở thành thiếu nữ, các cô gái ở bản đã được bà, được mẹ trao truyền kỹ năng, bí quyết để dệt, thêu sao cho thuần thục.
Tuy là nghề phụ, nhưng người Lự rất coi trọng và lấy đó làm thước đo tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo, nhẫn nại của người phụ nữ. Người dân tự dệt vải và mặc trang phục truyền thống hằng ngày cho nên âm thanh kẽo kẹt của khung dệt đã tạo nên điểm nhấn thú vị cho một bản làng thanh bình.
Để có một chiếc khăn hoặc bộ váy áo độc đáo, phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ của người phụ nữ, như: trồng bông, bật bông, se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, cắt vải, thêu hoa văn... Mùa xuân, người Lự bắt đầu trồng bông, đến mùa thu thì thu hoạch. Họ tuốt bông, nhặt từng hạt rồi bật bông. Xong xuôi, bà con mang đi se sợi, mắc vào khung để dệt. Dệt xong, người phụ nữ mang tấm vải đi nhuộm chàm, sau đó phơi khô, cắt vải rồi mới thêu hoa văn lên đó. Họa tiết hoa văn có nhiều hình thù khác nhau, kết hợp cùng mầu sắc sặc sỡ, tạo nên bộ trang phục độc đáo. Công đoạn cuối cùng, người may sẽ ghép từng mảnh vải lại, khâu tay để tạo thành áo, váy.
Nét đặc biệt trong trang phục nữ của người Lự là luôn được thiết kế công phu, áo có khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hình sóng được thêu ở hai ống tay áo giáp với vai và cổ tay; đường viền cổ áo được thêu hoa văn quả trám, chân chim; vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau thường thêu một dải hoa văn mà bà con quen gọi là "con suối uốn lượn". |
Nét đặc biệt trong trang phục nữ của người Lự là luôn được thiết kế công phu, áo có khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hình sóng được thêu ở hai ống tay áo giáp với vai và cổ tay; đường viền cổ áo được thêu hoa văn quả trám, chân chim; vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau thường thêu một dải hoa văn mà bà con quen gọi là "con suối uốn lượn". Riêng khăn đội đầu, người thợ may sẽ cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với đường gấp viền thêu hoa văn mầu trắng, kẻ sọc. Trang phục nam đơn giản hơn, áo xẻ ngực, cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt và chỉ ngắn ngang thắt lưng. Quần mầu đen, gần giống quần của người Thái nhưng từ phần đầu gối trở xuống thêu nhiều hoa văn hơn.
Để có một bộ trang phục hoàn chỉnh, mất rất nhiều thời gian, nếu nhanh cũng khoảng ba, bốn tháng mới xong, có người làm mất tới nửa năm. Không chỉ góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghề dệt còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ. Trung bình, mỗi bộ trang phục được bán với giá khoảng 5-6 triệu đồng.
Để khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những năm qua, chính quyền địa phương thường xuyên khuyến khích các bà, các mẹ dạy cách dệt, thêu cho con cháu ngay từ nhỏ; động viên người dân duy trì khung dệt và phối hợp các trường học vận động học sinh mỗi em có ít nhất một bộ trang phục của dân tộc mình để mặc vào các dịp lễ, Tết và hoạt động ngoại khóa...
Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa thông tin huyện cử phụ nữ trong xã đi học nghề. Trong thời gian học, học viên được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, được các đơn vị, doanh nghiệp cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm, đồng thời huyện cũng hỗ trợ một phần kinh phí và làm việc với các ngân hàng tạo nguồn vốn vay ưu đãi để bà con yên tâm phát triển nghề truyền thống. Đến nay, có khoảng 30 phụ nữ đã học xong, nhận sản phẩm về làm và thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Đẩy mạnh du lịch trải nghiệm
Không những chăm chỉ làm nông, dệt vải, người Lự còn thể hiện tinh thần lạc quan, vẻ đẹp tâm hồn qua thơ ca và âm nhạc. Dân ca Lự, gọi là "khắp", được trình diễn với các loại nhạc cụ khác nhau trong các lễ hội đượm sắc màu dân tộc. Khi chúng tôi đến thăm bản, đã được tham dự một đêm hội giao lưu văn hóa, trình diễn dân ca của bà con. Những màn múa hát với sự tham gia của nhiều du khách trong nước và nước ngoài.
Hiện tại, Bản Thẳm nói riêng và xã Bản Hon nói chung đều có nhiều khu lưu trú (homestay), cung cấp nơi nghỉ ngơi tiện nghi kèm theo dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm thú vị. Du khách sẽ được hướng dẫn khám phá vẻ đẹp bí ẩn của rừng già, chèo thuyền trên suối, thăm động Đông Pao, tự tay nấu các món ăn theo cách của người Lự giữa thiên nhiên tươi đẹp. |
Hiện tại, Bản Thẳm nói riêng và xã Bản Hon nói chung đều có nhiều khu lưu trú (homestay), cung cấp nơi nghỉ ngơi tiện nghi kèm theo dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm thú vị. Du khách sẽ được hướng dẫn khám phá vẻ đẹp bí ẩn của rừng già, chèo thuyền trên suối, thăm động Đông Pao, tự tay nấu các món ăn theo cách của người Lự giữa thiên nhiên tươi đẹp. Dòng suối Nậm Hon hiền hòa thơ mộng vừa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính, vừa mang lại nguồn đặc sản cá, ốc, tôm... dồi dào để người dân chế biến nhiều món ăn truyền thống, hương vị đặc trưng, được khách du lịch ưa chuộng.
Động Đông Pao nằm trong vùng núi đá vôi được hình thành cùng với quá trình kiến tạo địa chất và dòng chảy của mạch nước ngầm trong lòng núi đã tạo nên nhiều nét độc đáo, riêng có. Ngay tại cửa động, một thảm thực vật gồm nhiều họ khác nhau cùng tồn tại, từ những cây dây leo, cây bụi cho đến thảm cỏ đan xen. Tất cả như đang tạo nên một bức rèm bằng cây xanh khổng lồ trang trí và che mát toàn bộ cửa động. Tiếp tục đi sâu vào bên trong là một ngách hang rộng với nhiều bậc nhũ đá tầng lớp xen kẽ. Cuốn hút du khách là những khối đá lớn, nhỏ mang dáng dấp, hình thù nhiều loài vật khiến người xem thỏa sức tưởng tượng và khám phá. Bên trong là dòng suối ngầm chảy dọc lòng động quanh năm, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp của hang động cùng với dòng suối ngầm chảy dọc tạo nên một chốn "tiên cảnh" nơi trần thế.
Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Sùng Lử Páo cho biết, nếu trước kia, khái niệm phát triển du lịch còn mơ hồ với người Lự thì khoảng sáu năm trở lại đây, với chính sách đầu tư phát triển du lịch của địa phương, các điểm du lịch cộng đồng đã dần hình thành và khởi sắc. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, người dân nơi đây cần được đào tạo, nâng cao hiểu biết về du lịch cộng đồng, từ đó có cách làm đúng đắn, hiệu quả.
Ngoài Bản Thẳm, địa phương còn có Nà Luồng, Nà Khương, Lao Chải, Sì Thâu Chải... xa trung tâm hơn nhưng đầy tiềm năng thu hút du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng các giá trị văn hóa bản địa. Bản Nà Khương nổi tiếng với những cọn nước đẹp nhất nhì Tây Bắc, nơi những cây cầu tre nho nhỏ bắc qua dòng suối trong xanh. Bản Sì Thâu Chải trên lưng chừng núi được giới trẻ ca ngợi như một điểm check-in lôi cuốn bậc nhất. Tại Tuần Văn hóa-Du lịch Tam Đường 2022, nghề dệt truyền thống của người Lự đã được quảng bá, tôn vinh cùng với nhiều hoạt động khác thu hút du khách, như: Hội thi giã bánh dày của người H'Mông; lễ hội nhảy lửa của người Dao; hội thi ẩm thực, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc… Đặc biệt phải kể đến môn thể thao mạo hiểm dù lượn đường trường Pu Ta Leng quốc tế mở rộng lần thứ ba với sự tham gia của gần 100 phi công...
Trải qua hơn hai năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, để kích hoạt lại các hoạt động du lịch với điểm nhấn là tăng tính trải nghiệm, chính quyền địa phương đã có kế hoạch cụ thể nhằm vận động bà con chỉnh trang, nâng cấp, quảng bá tiềm năng. Từ đó, mỗi điểm du lịch trên địa bàn đều được định hướng để tạo dựng nên nét đẹp riêng nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Tính từ đầu năm đến nay, huyện Tam Đường - "cửa ngõ" của tỉnh Lai Châu đã thu hút hơn 60.000 lượt du khách với tổng doanh thu hơn 25 tỷ đồng. Từ sự kết hợp tinh hoa văn hóa truyền thống với các mô hình phát triển du lịch mới, thời gian tới, hy vọng miền đất bình yên và đầy bản sắc này sẽ trở thành điểm đến yêu thích của du khách và luôn mang đến sự bất ngờ, sâu lắng về trải nghiệm.
Lữ Mai