Giới trẻ với nghệ thuật truyền thống
Cập nhật: 18/10/2022
Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc và độc đáo, chèo có đời sống riêng và sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước dòng chảy của các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiện nay, việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật chèo gặp không ít khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là việc thu hút và "giữ chân" lực lượng kế cận, nhất là lớp trẻ. Đây cũng là bài toán nan giải mà những người đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống đang đau đáu từng ngày.

Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo, thời gian qua, nhiều sự kiện mang tính sáng tạo đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ, người yêu thích bộ môn nghệ thuật dân gian này có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, sự kiện diễn ra từ ngày 12 đến 28-10.

Một thời gian dài, nghệ thuật Chèo rơi vào quên lãng, chỉ còn trong ký ức của các vị cao niên. Nhưng bằng tình yêu với nghệ thuật dân gian truyền thống, tiếng Chèo đã rộn ràng trở lại. Thực tế cho thấy, khán giả đến với nghệ thuật Chèo từ nhiều năm nay không chỉ là giới trung niên mà còn có các bạn trẻ. Bạn Hoàng Hiệp – chủ nhiệm dự án Chèo 48H chia sẻ: "Mình không phải là một người theo đuổi nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp nhưng khi mình còn học ở trường Đại học Xã hội và Nhân văn mình làm nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống và được tiếp cận với bộ môn nghệ thuật Chèo. Từ đó, trong mình bắt đầu nảy sinh tình yêu với môn nghệ thuật này và đến bây giờ mình đã được tham gia trong ban điều hành của dự án Chèo 48H để góp phần lan tỏa tình yêu của giới trẻ với những nghệ thuật truyền thống".

Bạn Hoàng Hiệp - chủ nhiệm dự án Chèo 48H

Theo tìm hiểu, thông qua mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok.. bằng cách này hay nhiều cách khác thì nghệ thuật Chèo đang dần được tiếp cận nhiều hơn với các bạn giới trẻ. Kênh Youtube có nhiều các đoạn video dài 3-5 phút tuyên truyền về các giá trị lịch sử, những nét đặc sắc của bộ môn nghệ thuật Chèo. Hay trên nền tảng Tiktok đang thịnh hành nhất hiện nay, với các đoạn video chỉ dài từ 15-60 giây thể hiện các nhân vật đặc trưng trong nghệ thuật dân gian này đã giúp trị liệu tâm hồn, giải tỏa căng thẳng và truyền cảm hứng nghệ thuật cho các bạn trẻ.

Để có thể thỏa sức đam mê với nghệ thuật Chèo, giới trẻ cũng lập ra những sân chơi để kết nối nghệ thuật Chèo với khán giả. "Dự án Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương được thành lập năm 2014, đến nay chúng mình đã hoạt động được 8 năm. Dự án được thành lập nhằm hướng tới giáo dục và truyền thông văn hóa nghệ thuật truyền thống cho người trẻ nhằm truyền cảm hứng, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu với văn hóa nước nhà, góp phần thúc đẩy các hành động bảo tồn, phát huy hiệu quả trong xã hội hiện đại" - Bạn Hiệp chia sẻ thêm.

Các bạn trẻ tham gia khoa học về nghệ thuật dân gian. Nguồn ảnh: Chèo 48H

Ngoài Chèo 48h, những năm gần đây, người yêu mến nghệ thuật Chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung chứng kiến sự chào đời của khá nhiều dự án, chương trình khác được thực hiện thành công nhờ tình yêu và tâm huyết của những người trẻ như "Tôi xê dịch" hay các buổi biểu diễn tại một số trường đại học.

Tuy nhiên với sự xuất hiện nhiều của các loại hình giải trí nên nhiều người cho rằng, nghệ thuật dân gian này đang dần bị giới trẻ "lãng quên" thì bạn Hiệp có chia sẻ: "Mình nghĩ các bạn giới trẻ không lãng quên với nghệ thuật Chèo. Trong lòng các bạn trẻ vẫn luôn nhớ đến nghệ thuật Chèo nhưng không còn cảm thấy quá thích thú nữa vì nghệ thuật Chèo chưa được đa dạng, thu hút như các loại hình giải trí ngày nay. Nhưng mình thấy các bạn trẻ đang dần có xu hướng quay lại tìm hiểu về các bộ môn nghệ thuật truyền thống để phát huy giá trị dân tộc. Ví dự như trong dự án của chúng mình có tổ chức các khóa học về nghệ thuật truyền thống và được rất nhiều bạn trẻ tham gia ủng hộ. Và trong các buổi đi diễn bọn mình cũng gặp được rất nhiều khán giả trẻ đến xem".

Nhiều bạn trẻ tham gia biểu diễn tại dự án Chèo. Nguồn ảnh: Chèo 48H

Đó là tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật Chèo nhưng cũng có những khó khăn thách thức đặt ra. Các bạn trẻ yêu thích, quay lại ủng hộ nghệ thuật dân gian này nhưng để theo đuổi nghề Chèo thì không còn nhiều. Vậy nên, hiện nay nghệ thuật Chèo thiếu rất nhiều nghệ sĩ trẻ nối nghề và diễn tốt như các vị tiền bối ngày xưa.

Mong muốn nghệ thuật Chèo được phát triển theo cách "dân dã" ngày xưa và được tiếp cận với nhiều khán giả trẻ hơn nưa. Bạn Hiệp cho biết, không thể phủ nhận sự đa dạng của các sân khấu hóa, các loại hình đa dạng trong Chèo để nghệ sĩ có thể thể hiện nhưng nghệ thuật Chèo xuất phát từ sân đình, từ những điều giản dị nhất nên là một người yêu thích làm việc liên quan đến nghệ thuật Chèo bạn luôn mong muốn nghệ thuật Chèo được phát triển theo một cách dân dã, giản dị nhất như xưa của ông cha. Và bạn mong muốn ở khắp mọi miền cả nước, đặc biệt là Hà Nội có nhiều người đến từ các địa phương khác nhau, mang những bản sắc dân tộc khác nhau hãy tổ chức thật nhiều các sự kiện truyền thống để tất cả mọi người cùng được giao lưu, học hỏi và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta.

Có thể nói, nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, và nếu được khơi thông sẽ được phát triển không ngừng, lan tỏa trong cộng đồng. Để làm "sống lại" một kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhất là nghệ thuật chèo, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Thu Thương

Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Đăng ngày 17/10/2022