Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Mường Động (Hòa Bình)
Cập nhật: 01/11/2022
Không chỉ được tạo hóa ưu ái ban cho nguồn nước khoáng thiên nhiên quý giá, Nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi còn tự hào là 1 trong 4 vùng Mường (Bi - Vang - Thàng - Động) giàu bản sắc văn hóa.


Nghệ nhân ưu tú Bạch Thị Đào, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) truyền dạy hát dân ca cho lớp trẻ.

Trong cộng đồng dân cư các xã: Xuân Thủy, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, Kim Lập, Nam Thượng… hiện giữ được số lượng chiêng Mường khá lớn. Hầu hết các xóm, khu phố thành lập được các đội văn nghệ, trang bị dàn chiêng đủ 12 chiêng phục vụ tập luyện, biểu diễn. Một số địa phương thành lập được các câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó tập trung bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chiêng Mường, dân ca Mường. Nghệ nhân ưu tú Bạch Thị Đào, Chủ nhiệm CLB truyền dạy hát dân ca và đánh chiêng Mường xã Xuân Thủy cho biết: Xuất phát từ tình yêu đối với văn hóa Mường, được sự cho phép của cấp ủy, chính quyền địa phương, CLB đã ra mắt và đi vào hoạt động thường xuyên, nền nếp. Các thành viên tham gia sinh hoạt tạo sân chơi giao lưu, cùng vun đắp, bảo tồn văn hóa qua các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, chiêng Mường. Thời gian qua, CLB thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ du khách tại khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi. Tại hội diễn văn nghệ "Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới” huyện Kim Bôi lần thứ III - năm 2019, CLB giành giải nhất.

Mùa lễ hội năm 2022, mặc dù không tổ chức phần hội như mọi năm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng lễ hội Mường Động vẫn tiến hành phần lễ với sự tham gia của trên 200 người dân sinh sống trên địa bàn xã Vĩnh Đồng và một số xã lân cận. Đây là lễ hội được phục dựng từ dịp Tết Nguyên đán 2017 vào các ngày 7 - 8/1 âm lịch. Qua đó tái hiện sinh động phần lễ, thu hút đông đảo du khách đến với phần hội đặc sắc cùng màn trình tấu chiêng Mường hoành tráng, các tiết mục múa, hát dân ca, cuộc thi người đẹp trình diễn trang phục Mường và nhiều hoạt động thể thao hấp dẫn, sôi nổi như: bóng chuyền, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy…

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng VH-TT huyện, những năm qua, cùng với lễ hội Mường Động, các lễ hội truyền thống trên địa bàn được quan tâm phục dựng và tổ chức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch địa phương. Cụ thể là lễ hội Xuống Mùa - xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng; hội chùa Sim - xóm Sim Ngoài, xã Hợp Tiến; lễ hội đình Lập - xóm Lập, xã Kim Lập; lễ hội chùa Nè - xóm Nè, xã Xuân Thủy; hội chùa Bôi - xóm Bôi Cả, xã Nam Thượng; hội đình Ba Bị - xóm Ba Bị, xã Hùng Sơn; hội chùa Đa - xóm Trẹo, xã Tú Sơn. Trên địa bàn huyện hiện có 29 di tích, trong đó có 1 di tích khảo cổ học cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh, 23 di tích trong danh mục kiểm kê của tỉnh. Các di tích từng bước được tôn tạo và phát huy giá trị, như khu mộ cổ Đống Thếch, di tích cấp tỉnh địa điểm Bác Hồ về thăm Huyện ủy Kim Bôi.

Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gắn với phát triển du lịch. Hoạt động truyền dạy hát dân ca Mường, nghệ thuật trình diễn chiêng Mường được tổ chức thường xuyên cho thành viên 158 đội văn nghệ xóm, bản. Các nghệ nhân dân ca, chiêng Mường được quan tâm lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân hàng năm. Toàn huyện có 56 người nắm giữ giá trị di sản văn hóa (DSVH) mo Mường, trong đó 7 nghệ nhân mo Mường đã được Nhà nước công nhận. Năm 2022, huyện thành lập CLB Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH mo Mường gồm 31 thành viên. Toàn huyện có 2 nghệ nhân được Nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú về nghệ thuật trình diễn dân gian. Các CLB dân ca Mường, chiêng Mường, văn hóa dân gian Mường được thành lập và hoạt động thường xuyên, hiệu quả, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa. Tiêu biểu là: CLB chiêng Mường xã Vĩnh Tiến; CLB giữ gìn bản sắc văn hóa khu Lục Đồi, thị trấn Bo; CLB truyền dạy hát dân ca và đánh chiêng Mường xã Xuân Thủy…

Huyện đang tích cực triển khai kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, tích cực tham gia lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể mo Mường, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa 30% DSVH phi vật thể của các dân tộc huyện; đầu tư xây dựng mô hình bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống gắn với du lịch. Lựa chọn một số điểm di tích tiêu biểu để quảng bá, thu hút đầu tư thành các điểm thăm quan du lịch; sưu tầm, bảo vệ và quản lý tốt các hiện vật, cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử để trưng bày, giới thiệu, quảng bá; đầu tư, tu bổ các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu.

Bùi Minh

Báo Hòa Bình - baohoabinh.com.vn - Đăng ngày 31/10/2022