Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà năm 2022 được huyện Yên Bình (Yên Bái) tổ chức góp phần tôn vinh sản vật quý của địa phương và đẩy mạnh quảng bá các tiềm năng du lịch với nhiều sắc màu văn hóa đặc sắc, hấp dẫn...
Tối 18/11, UBND huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tổ chức khai mạc “Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng hồ Thác Bà năm 2022”, và chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề: "Yên Bình - hội tụ tinh hoa".
Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà năm 2022.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, cùng với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, chương trình nghệ thuật “Yên Bình – hội tụ tinh hoa” trong đêm khai mạc đã để lại cho người dân và du khách ấn tượng khó quên, nhất là "Vũ điệu kết đoàn" ở phần kết do diễn viên các dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... biểu diễn.
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Là huyện cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Yên Bái, một vùng đất trù phú gắn liền với truyền thuyết Thác Bà, Thác Ông cùng những hồi ức về chợ Ngọc, chợ Ngà và các sản vật nổi tiếng đã đi vào thơ ca như bưởi Đại Minh, cam An Thọ, cọ Đông Lý, cơm làng Má, cá Đào Kiều, lúa Bạch Hà, gà Linh Môn,... huyện Yên Bình còn là địa danh gắn với những chiến công hiển hách của danh tướng Trần Nhật Duật và anh em Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên.
Đặc biệt, Yên Bình còn được biết đến với công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam là hồ Thác Bà - một trong 3 biển hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, có nhiều đảo lớn nhỏ, được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” với các hang động, phong cảnh hữu tình. Nơi đây đã sản sinh, bồi tụ, lưu truyền và giao thoa các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc lâu đời của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…Đó cũng là tiền đề quan trọng để phấn đấu đến năm 2040, xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế ở phía Bắc.
Bên cạnh đó, Yên Bình được biết đến với giống bưởi quý tại xã Đại Minh được phát hiện cách nay trên 300 năm. Hiện vùng đất này còn nhiều cây bưởi cổ trên 100 tuổi, một số cây có tuổi đời khoảng 200 năm tuổi, được mệnh danh là “bưởi tiến vua”. Do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng nên bưởi Đại Minh thường cho chất lượng quả thơm ngon và ngọt dịu.
Bưởi Đại Minh được trồng rộng rãi ở khắp các xã trong huyện Yên Bình với tổng diện tích gần 400ha, sản lượng mỗi năm trên 8.000 tấn, hằng năm đem lại thu nhập khoảng 85 - 90 tỷ đồng cho người dân. Từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền “Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình; Bưởi Đại Minh là một trong 5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao của tỉnh Yên Bái.
Kéo dài đến ngày 23/11, Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà năm 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, được tổ chức nhằm hưởng ứng các hoạt động của tỉnh Yên Bái về Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xoè Thái” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các sản phẩm bưởi Đại Minh được trưng bày để du khách tham dự lễ hội chiêm ngưỡng và thưởng thức.
Lễ hội còn có các điểm nhấn như: Trải nghiệm “Con đường sắc màu văn hóa”; Hội chợ quê giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; Hội chợ thương mại; Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; Hội thi bóc bưởi, trình bày bưởi; Các hoạt động âm nhạc đường phố; Các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dưới nước diễn ra trên hồ Thác Bà…
Tin, ảnh: Kim Chiến