Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4 đã khai mạc vào hôm nay (23/11) tại Hà Nội với chuỗi các sự kiện phong phú được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.
Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống trong lễ khai mạc Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: VGP
Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức.
Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4 nhằm hướng đến việc xúc tiến các hoạt động liên kết giữa văn hóa và doanh nghiệp, đồng hành chung tay cùng doanh nhân, doanh nghiệp góp phần bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa Việt Nam.
Sau lễ khai mạc Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4 là các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng như: Triển lãm ảnh di sản; trình diễn áo dài dân tộc truyền thống; Diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa".
Bên cạnh đó, người tham dự còn được thưởng thức các loại hình văn hoá nghệ thuật mang đậm bản sắc của Việt Nam như: Thư pháp Việt, hát then, hát văn, bài chòi, quan họ, chèo, ví dặm, ca trù, hát xẩm, các thể thức trống hội; các làn điệu dân ca được UNESCO công nhận, trình diễn võ thuật UNESCO; Festival văn hóa nghệ thuật thiếu niên, nhi đồng UNESCO.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Trần Văn Mạnh cho biết, Việt Nam là đất nước có nhiều truyền thống tốt đẹp kế thừa từ hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là một quốc gia có non sông hùng vĩ, nhiều kỳ quan kiến trúc lịch sử và văn hóa có giá trị độc đáo, hàng vạn di tích lịch sử và văn hóa và thiên nhiên.
Tính đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO nâng lên tầm giá trị toàn nhân loại, cùng với gần 20 địa danh và hàng chục loại hình văn hóa phi vật thể khác đang chờ đợi để được Nhà nước và UNESCO xem xét đưa tiếp vào danh sách di sản thế giới. Việt Nam thực sự là một đất nước có tiềm năng văn hóa và có lợi thế để phát triển các ngành kinh tế dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản.
Theo ông Trần Văn Mạnh, việc khai thác các tiềm năng và lợi thế về văn hóa, thiên nhiên sẵn có như nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là thực tế đang diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Song không ít trường hợp quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu, lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến bảo tồn và gìn giữ giá trị di sản văn hóa, dẫn đến tình trạng di sản bị khai thác cạn kiệt, xâm hại, thậm chí bị bóp méo biển dạng.
Một thực trạng phổ biến là để phát triển kinh tế du lịch, có những địa phương, doanh nghiệp đã khai thác một cách bừa bãi giá trị của di tích, làm thay đổi diện mạo di tích, làm biến mất sự tồn tại của vùng cảnh quan di tích để xây dựng các khu dịch vụ khi chưa có sự tính toán kĩ càng về mọi khía cạnh. Một số di sản văn hóa thế giới không chỉ một lần bị UNESCO lưu ý bởi sự phát triển kinh tế du lịch thiếu quy hoạch làm thay đổi cảnh quan, môi trường, sinh thái. Cách làm đó đang làm cho các hình thái văn hóa và di sản văn hóa ngày càng mất đi các giá trị chân thật cốt lõi của di sản, làm cho di sản ngày càng mất đi tính hấp dẫn vốn có.
Để công cuộc bảo tồn và gìn giữ giá trị di sản đạt được hiệu quả theo ông Trần Văn Mạnh, cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội. Các công ước của UNESCO cũng luôn đề cao vai trò của cộng đồng - những chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hóa. Trong Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (năm 2003), UNESCO khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa: "không có văn hóa nếu không có sự tham gia tự giác của người dân và cộng đồng".
Diệp Anh