Du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event) - du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng là loại hình mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến không chỉ đối với Đắk Lắk mà còn là xu hướng toàn cầu. Đặc biệt, sau một thời gian “tê liệt” do đại dịch, MICE hiện đang có bước hồi phục mạnh mẽ.
Nối lại “đoạn dây đứt gãy”
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, so với các hình thức du lịch khác, du lịch MICE hướng đến phục vụ nhóm khách số lượng lớn, lưu trú dài ngày, sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích cao cấp và không chịu tác động của yếu tố thời điểm - tức là có thể diễn ra sôi động ở mọi thời điểm trong năm. Vì vậy lượng doanh thu mà du lịch MICE đóng góp cho ngành du lịch tỉnh là không nhỏ. Đặc biệt là trong những năm gần đây, Đắk Lắk đã có sự phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất một cách đồng bộ thì ngành du lịch này cũng cất cánh đi lên.
Những mái nhà sàn cùng với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên luôn tạo được sức hút đối với du khách.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp (DN), nhiều đơn vị cũng khẳng định, hậu COVID-19 là thời của du lịch MICE. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, sau thời gian dài các hoạt động hội nghị, triển lãm bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức, DN sẽ nối lại những sự kiện quan trọng đã bị trì hoãn trước đó. Các chuyến đi đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc cho nhân viên hoặc những kỳ nghỉ khen thưởng cũng được xúc tiến, mở ra thời kỳ bùng nổ của du lịch MICE hậu đại dịch. Đối với Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, thời gian qua, đặc biệt sau hai năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì thị trường phân khúc khách hàng MICE có sự tăng trưởng lớn, chiếm gần 50% tỷ lệ doanh thu khách đặt phòng.
Còn nhiều thách thức
Dù du lịch MICE đang hồi phục mạnh mẽ trở lại song đại diện nhiều công ty lữ hành cho biết, sau đại dịch, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm này tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang đối mặt với không ít thách thức.
Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch khám phá Tây Nguyên nhận định, Đắk Lắk hiện chưa có nhiều khách sạn 5 sao, số phòng, công suất phòng họp còn ít; không nhiều trung tâm hội nghị, triển lãm đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện cho các đoàn khách lớn, quy mô hàng nghìn người. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quảng bá loại hình du lịch này ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ… Hơn nữa, sau đại dịch, hầu hết các DN đều ít nhiều bị ảnh hưởng trong việc cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động và phát triển kinh doanh. Vì vậy việc tổ chức các chương trình, sự kiện cũng bị chia nhỏ và hạn chế về kinh phí, lượng khách.
Chia sẻ ý kiến trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất và nguồn nhân lực thì điểm đến và các tiện ích trên địa bàn tỉnh chưa thu hút, giữ chân được du khách, đặc biệt là tỷ suất quay lại của du khách còn thấp. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến và quảng bá hiện nay khá ít, chủ yếu thông qua các công ty du lịch và sự kiện, địa phương chưa có những chương trình kết nối quảng bá đến những thị trường và khách hàng tiềm năng.
Bởi thế, muốn du lịch MICE thực sự trỗi dậy mạnh mẽ, các địa phương, từng DN, từng điểm đến cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, triển khai các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, các địa phương cần đa dạng hóa phương thức tiếp xúc với khách hàng, nhanh nhạy hơn trong nắm bắt xu hướng để ứng dụng vào công tác truyền thông. Đặc biệt, cần có sự kết nối giữa các DN để đưa ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng hơn như combo vé máy bay cùng với phòng lưu trú, trọn gói dịch vụ cho từng đối tượng khách hàng. Và nội tại các DN cũng cần tự đào tạo để dịch vụ của mình ngày càng chuyên nghiệp, cao cấp, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.
Khả Lê