Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, phát triển đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa công nghệ thông tin của ngành du lịch (DL). Qua đó, góp phần xúc tiến, quảng bá hình ảnh, đem lại trải nghiệm mới, tạo môi trường minh bạch và an toàn cho du khách.
Đầu tư hạ tầng viễn thông
Những năm gần đây, hành vi và xu hướng DL của du khách đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhu cầu đặt tour DL online; phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số. Xu hướng “DL không chạm” của du khách trở thành ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là xu hướng chung cho phát triển ngành DL cả nước và thế giới. Bắt kịp xu thế đó, tỉnh An Giang đã và đang tích cực triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, trong đó có việc đầu tư hạ tầng viễn thông.
Hạ tầng số phục vụ du lịch đang ngày càng được hoàn thiện
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang (TTTT) Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong 2 năm (2021-2022), đơn vị phối hợp xây dựng 2.160 trạm thu phát sóng thông tin di động. Toàn tỉnh hiện có gần 2,5 triệu thuê bao điện thoại di động, gần 440.000 thuê bao băng rộng cố định; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng Smartphone (điện thoại thông minh) đạt 66,2%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định khoản 78,9%; tỷ lệ phủ rộng mạng băng rộng cố định, phủ sóng 3G/4G đạt 100% xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, 30% điểm DL, khu dịch vụ công cộng, siêu thị, bến xe, cơ quan nhà nước được cung cấp wifi công cộng miễn phí, tạo điều kiện để người dân, khách DL thông tin về hành trình của mình trên mạng xã hội, góp phần quảng bá DL.
Hiện nay, chất lượng dịch vụ điện thoại và tốc độ Internet luôn được đảm bảo, duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Doanh nghiệp (DN) viễn thông, truyền hình cáp còn chỉnh trang, bó gọn cáp thông tin trên trụ điện lực, tại công trình, tuyến giao thông trọng điểm, tạo mỹ quan đô thị…
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, việc ứng dụng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong phát triển DL đang được triển khai, thực hiện. Theo đó, đơn vị, DN triển khai dịch vụ 5G ở khu vực trọng điểm, phủ sóng wifi công cộng tại khu, điểm DL, bến xe, trung tâm mua sắm... theo phương thức xã hội hóa. An Giang còn tạo điều kiện, hỗ trợ DN viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển hệ thống cáp, trạm phát sóng BTS, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách DL. Ngoài ra, triển khai mở rộng quy mô hệ thống camera công cộng miễn phí, phục vụ nhu cầu kết nối của người dân, du khách tại điểm DL, khu dịch vụ công cộng. Đồng thời, trang bị trên 100 camera giám sát an ninh, trật tự xã hội tại khu DL, địa điểm tham quan trong địa bàn tỉnh.
Sở TTTT An Giang cho biết thêm, hiện nay, các ứng dụng thông minh được áp dụng nhằm cung cấp thông tin điểm mua sắm, điểm ăn uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, cây dược liệu... mang đến sự tiện lợi cho du khách.
Bên cạnh đó, các phần mềm còn nhận diện và thống kê lượng khách viếng thăm khu, điểm DL, tạo điều kiện cho công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội, tạo niềm tin cho du khách. Ngoài ra, du khách đến An Giang còn được tiếp cận giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thiết bị chuyển ngôn ngữ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chuyển đổi số quảng bá du lịch
Để đón đầu và thích ứng hiệu quả với xu hướng chuyển đổi số của DL, cùng với việc quảng bá thông qua kênh truyền thống, ngành DL đang từng bước thực hiện nhiều biện pháp chuyển đổi số trong quảng bá hình ảnh DL An Giang.
Theo đó, việc quảng bá, giới thiệu điểm, khu DL được chuyển dịch sang các nền tảng trực tuyến, như: Facebook, Zalo, QR code, Cổng thông tin DL tỉnh (https://checkinangiang.vn), app DL An Giang (Checkin An Giang). Đồng thời, triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh; triển khai hiệu quả đề án “An Giang điện tử” nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, như: Xây dựng chính quyền số, DL thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh…
Thời gian tới, Sở TTTT An Giang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển, phục vụ ngành DL.
Bên cạnh đó, củng cố và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, DN và trong xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển DL; tạo điều kiện, hỗ trợ DN viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển hạ tầng thông tin, truyền thông, nâng cao chất lượng phục vụ khách DL.
Không dừng lại, đơn vị sẽ áp dụng công nghệ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách; tạo điều kiện cho người dân và DN giám sát môi trường, hướng đến DL xanh, sạch…
Đức Toàn