Biến ký ức thành tài nguyên du lịch
Cập nhật: 03/01/2023
Slogan của Hiệp hội Bảo tàng thế giới đưa ra: “Ký ức + sáng tạo = chuyển biến xã hội” cách đây hàng chục thập niên, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ký ức chẳng có ý nghĩa gì khi không được khơi dậy bằng một cách thức nào đó để cho “quá vãng bị đông đặc” ấy lột bỏ lớp sương khói mờ ảo của thời gian để sống dậy, phản chiếu và lan tỏa trong đời sống hiện tại, giúp chúng ta hiểu thêm và nhận thức một cách sâu sắc, sống động hơn về lịch sử, hành trang của một con người, một cộng đồng hay rộng lớn hơn là một quốc gia, dân tộc…

Sự khơi dậy ấy tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cho phép, song yếu tố sáng tạo để ký ức thật sự tham gia và thúc đẩy đời sống xã hội theo hướng tích cực hơn là vấn đề đáng quan tâm. Ví như ở Bảo tàng Đắk Lắk, có hàng chục nghìn hình ảnh, tư liệu, hiện vật được giới thiệu, trưng bày và dĩ nhiên đó chỉ là ký ức được bảo tồn trong một không gian hạn hữu mà thôi.

Dòng chảy lịch sử, văn hóa của chóe được trưng bày trong "Ngôi nhà Chóe đại ngàn". Ảnh: H. Hùng

Theo ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, để ký ức ấy tạo nên chuyển biến xã hội (về mặt cảm thụ, nhận thức và hành động) thật sự có ý nghĩa thì buộc chúng phải “kể lại câu chuyện” đã qua bằng nhiều cách: bố trí, sắp xếp những hình ảnh, tư liệu, hiện vật kia theo chủ đề và chủ đích; mở rộng không gian tương tác thông qua hoạt động trải nghiệm, thực hành và thuyết minh; hay đưa khoa học, công nghệ (của ánh sáng, âm thanh) vào hỗ trợ. Tất cả sự sáng tạo ấy sẽ mang lại cho đời sống hôm nay tiếng nói, hơi thở sống động, không đứt gãy nối quá khứ - hiện tại - tương lai từ ký ức, dù nhỏ nhoi trong muôn mặt lịch sử đời sống của con người, cộng đồng và xã hội. Nói cho cùng, chức năng và mục đích của mọi bảo tàng đều tuân theo trật tự, đường hướng ấy mới tạo ra chuyển biến xã hội, nếu không vốn ký ức ở đó chỉ là “vật chết” và được hiểu theo đúng nghĩa bảo tồn (!)

Hiện vật trong Bảo tàng tư nhân Ama H'mai. Ảnh: Ánh Ngọc

Với cảm nhận trên, cụ thể là từ Bảo tàng Đắk Lắk - đến nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều bảo tàng tư nhân ra đời: Ngôi nhà Chóe đại ngàn (số 10, đường Hải Triều, phường Thắng Lợi), Tâm An Viên (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi), Bảo tàng Cổ sinh (số 599, Lê Duẩn, phường Ea Tam) và Bảo tàng Ama H’mai (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu). Đó được xem là điểm đến du lịch được nhiều người yêu thích vì ký ức ở đây (từ chiêng, chóe, nhạc cụ truyền thống, vật dụng sinh hoạt cổ xưa cho đến những trầm tích hóa thạch được lưu giữ, phát lộ trên địa bàn Tây Nguyên) đã biết "kể lại" câu chuyện quá khứ - hiện tại - tương lai một cách chân thực, sinh động và có sức lan tỏa trong tâm hồn, nhận thức của người thưởng lãm qua sự sáng tạo của chủ nhân những bảo tàng trên. Ở đó, mỗi ký ức gắn liền với mỗi hiện vật là những mảnh ghép thống nhất trong đa dạng vẽ nên bức tranh toàn cảnh về vùng đất và con người Tây Nguyên trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Có thể nói rằng, thông điệp của Hiệp hội Bảo tàng thế giới là “Ký ức + sáng tạo = chuyển biến xã hội” đã được vận dụng và cụ thể hóa khá rõ ở đô thị Buôn Ma Thuột. Từ trung tâm là Bảo tàng Đắk Lắk, đến nay đã có những bảo tàng “vệ tinh” thật sự kết nối lại với nhau, hình thành nên tour/tuyến du lịch tìm hiểu và trải nghiệm lịch sử, văn hóa của các cộng đồng người Tây Nguyên hết sức hấp dẫn, lý thú đối với du khách gần xa. Nhiều mảnh ghép ký ức trong những điểm đến ấy đã được khơi dậy, sáng tạo thêm để trở thành tài nguyên (tài sản) đáng giá đủ sức nuôi sống cho chính chủ nhân của nó, và hơn thế, từ đây đã tạo ra chuyển biến hết sức rõ ràng, sinh động từ trong mỗi người, mỗi gia đình ra ngoài cộng đồng xã hội.

Đình Đối

Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Đăng ngày 01/01/2023