ÐBSCL có hệ thống sông ngòi vốn là điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch đường sông. Tận dụng lợi thế này, Cần Thơ và Hậu Giang kết nối xây dựng tuyến du lịch đường sông liên vùng, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, tạo sức hút với du khách trong và ngoài nước.
Du khách trải nghiệm tại vùng khóm Cầu Ðúc.
Tiềm năng du lịch đường sông
Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 có xác định du lịch là 1 trong 4 trụ cột đầu tư, định hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là tuyến kênh xáng Xà No đi vùng khóm Cầu Ðúc đang được tỉnh Hậu Giang chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch. Lý giải việc chọn tuyến điểm này, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Kênh xáng Xà No có lịch sử lâu đời gắn bó với con đường lúa gạo miền Tây ngày xưa, nối liền các nhánh sông chính dọc các tỉnh, thành từ Cần Thơ đi đến tận Cà Mau. Hậu Giang có gần 20km bờ kè trải dọc kênh xáng Xà No, tạo điều kiện thuận lợi về phát triển các sản phẩm du lịch đường sông”.
Ðường sông Cần Thơ và Hậu Giang dài khoảng 40km, dọc tuyến có nhiều điểm tham quan đậm bản sắc văn hóa sông nước, mà tiêu biểu là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)…Trong đó, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) và huyện Phong Ðiền (Cần Thơ) có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối du lịch cả đường bộ lẫn đường thủy. Ðặc biệt từ khi cầu Vàm Xáng đi vào hoạt động, các tuyến điểm tham quan giữa Châu Thành A và Phong Ðiền càng dễ kết nối. Trong liên tuyến này đã hình thành các cụm khám phá: chợ nổi Phong Ðiền, lò bánh hỏi Út Dzách (Phong Ðiền) đến homestay Mương Ðình, Trang trại sữa dê Ngọc Ðào (Hậu Giang). Liên tuyến này thường được khách quốc tế yêu thích bởi thuận lợi các tour khám phá bằng ghe xuồng và xe đạp.
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “Kênh xáng Xà No đã có lịch sử hơn 100 năm gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Nam Bộ xưa. Kênh được xem là huyết mạch đường thủy, chuyên chở lúa gạo, bắt đầu từ ngã ba Vàm Xáng sông Cần Thơ chạy dài đến ngã ba sông Ba Voi, Hậu Giang trước khi đổ ra sông Cái Lớn, Kiên Giang. Vì thế khai thác du lịch tuyến này sẽ có nhiều câu chuyện hay gắn với văn hóa, phong tục xưa của người dân vùng sông nước”. Ðồng quan điểm, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho rằng: “Việc xây dựng liên tuyến du lịch đường sông Cần Thơ và Hậu Giang, nhất là tuyến kênh xáng Xà No hứa hẹn tạo đột phá cho du lịch hai địa phương. Vì tuyến này sẽ đưa du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa, lịch sử của vùng sông nước một cách rất đặc biệt. Xu hướng của du khách hiện nay hướng tới thiên nhiên, trải nghiệm; vì thế, tuyến này rất phù hợp với thị hiếu du khách”.
Kết nối liên tỉnh đường sông
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hậu Giang, thông tin hiện địa phương đang định vị du lịch đường thủy nội địa làm trọng tâm khai thác, nên có sự đầu tư cho các điểm đến dọc trên tuyến kênh xáng Xà No. Trong đó, nổi bật có tàu du lịch Xà No đã đi vào hoạt động từ tháng 1-2022, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch đường sông của Hậu Giang. Về lâu dài, Hậu Giang muốn phát triển tuyến kết nối đến vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Ðúc. Liên tuyến này đang được các đơn vị lữ hành đánh giá cao bởi hệ thống đường sông rất đẹp, vẫn giữ nét hoang sơ mộc mạc.
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ và Hậu Giang có nhiều điểm tương đồng về sinh thái miệt vườn, sông nước. Thực tế, hai địa phương đã có bản thỏa thuận chương trình hợp tác phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng xây dựng các tuyến du lịch đường sông đưa khách khám phá các kênh rạch nội đồng, nối miệt vườn Hậu Giang đến Cần Thơ kết hợp trải nghiệm văn hóa, lịch sử của vùng sông nước. Chúng tôi cũng phối hợp tổ chức đoàn famtrip dành cho các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch của hai tỉnh, thành trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên cung đường sông kênh xáng Xà No, với mong muốn xây dựng các sản phẩm, tour tuyến phù hợp cho liên tuyến này, thúc đẩy sự phát triển du lịch của hai địa phương”.
Tàu du lịch Xà No đang được khai thác với trải nghiệm về đêm dọc kênh xáng Xà No.
Tham gia đoàn famtrip, bà Lương Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Hậu Giang có nhiều tiềm năng du lịch nhưng sản phẩm du lịch của địa phương vẫn còn chưa được khai thác hết, chưa thực sự hoàn thiện bởi những khó khăn về hạ tầng giao thông, kết nối quảng bá. Tôi cho rằng sản phẩm du lịch đường sông là ý tưởng mới, nhất là liên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang. Tuy nhiên, Hậu Giang và Cần Thơ phải kết nối thực sự hiệu quả để có sản phẩm hoàn thiện về chất lượng và đảm bảo an toàn cho du khách. Mặt khác, Hậu Giang nên có chiến lược truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch vì hiện tại khi tìm các thông tin về du lịch Hậu Giang chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn”. Trong khi đó, bà Ðỗ Thị Kim Chi, Công ty TNHH Du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong, thông tin: “Hiện chúng tôi đẩy mạnh khai thác các sản phẩm đường sông, cụ thể tại Cần Thơ công ty có đầu tư 2 ca nô với tour trải nghiệm đường sông khám phá chợ nổi Cái Răng, làng nghề và ngắm bình minh trên sông. Nếu như Hậu Giang có định hướng phát triển du lịch đường sông, chúng tôi sẵn sàng khảo sát và xây dựng liên tuyến du lịch ca nô kết nối Cần Thơ - Hậu Giang”. Còn ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Sự kiện IDO tại Cần Thơ, cho rằng: “Hậu Giang nên xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hình thành tour ổn định, như vậy các đơn vị lữ hành sẽ dễ dàng kết nối và khai thác. Tại Hậu Giang có nhiều đặc sản đặc trưng là cá thác lác, khóm Cầu Ðúc và địa phương nên quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch để du khách có thể trải nghiệm”.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho rằng muốn phát triển sản phẩm du lịch phải có tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có giá trị văn hóa và phải có sự đầu tư để biến tài nguyên du lịch thành sản phẩm thực tế. Hậu Giang có nhiều tiềm năng du lịch, vì thế quan trọng là có cách làm để tạo ra những sản phẩm giá trị đậm bản sắc địa phương. Về du lịch đường sông, liên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang rất độc đáo vì gắn với kênh xáng Xà No lịch sử cùng nhiều nét văn hóa độc đáo vùng sông nước. Nếu Cần Thơ và Hậu Giang cùng vận hành tuyến này thì sẽ tạo những sản phẩm rất khác biệt.
Cần Thơ và Hậu Giang đều thuận lợi kết nối đường bộ lẫn đường thủy, do đó việc liên kết xây dựng sản phẩm sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai địa phương. Ðặc biệt, du lịch đường sông là thế mạnh đặc trưng và đang được chính quyền hai địa phương quan tâm đầu tư, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch. Khai thác thế mạnh sông nước chính là nét khác biệt làm nên bản sắc sản phẩm du lịch địa phương, trong đó Hậu Giang chú trọng sông nước miệt vườn thì Cần Thơ phát huy thế mạnh sông nước đô thị. Liên kết này mang đến những trải nghiệm đa dạng cho du khách, cũng như góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của vùng ÐBSCL.
Bài, ảnh: Ái Lam