Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế. Để hồi phục sau đại dịch, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững. Phát triển du lịch không nằm ngoài yêu cầu tất yếu và bức thiết trong xu thế phát triển chung của loài người.
Du lịch phải hướng tới thị trường cân bằng, bền vững.
Hướng phát triển chủ đạo của các quốc gia
Nếu đại dịch không xảy ra, UNWTO dự báo, đến năm 2030, thế giới đón 1,8 tỷ người đi du lịch. Mỗi du khách sẽ góp phần làm cho thế giới ngày càng trở thành một nơi tốt đẹp hơn và thúc đẩy sự phát triển bền vững trên cả năm trụ cột: Kinh tế tạo ra sự tăng trưởng bao trùm; xã hội mang lại cơ hội việc làm bền vững và trao quyền cho các cộng đồng; môi trường được bảo tồn, làm giàu và ứng phó với biến đổi khí hậu; tôn vinh và bảo tồn tính đa dạng, bản sắc, văn hóa vật thể, phi vật thể; và mang lại hòa bình cho thế giới là điều kiện tiên quyết cơ bản đối với sự phát triển và tiến bộ. Hoạt động du lịch có thể thay đổi cách du khách muốn nhìn nhận thế giới và chính du khách sẽ là đại sứ cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Sau dịch Covid-19, du lịch xanh, du lịch đại chúng truyền thống, du lịch sinh thái, di sản, văn hóa, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thập niên tới do hiện nay tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang coi du lịch là một trong những cách thức nhằm thực hiện hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong Chương trình nghị sự 2030 và Chiến dịch hành động vì các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Chương trình. Cùng với đó, xu hướng đi du lịch tại các nơi có môi trường tự nhiên càng trong lành, bảo đảm an toàn, ngày càng nhiều hơn, thậm chí du khách sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm du lịch đó. Mặc dù nhiều nước đang trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng phát triển du lịch bền vững sẽ vẫn là hướng chủ đạo mà các quốc gia đang hướng đến trong đó du lịch nội địa được xem là trụ cột cho tăng trưởng của các quốc gia.
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần có sự hợp tác chặt chẽ, cùng nhau dỡ bỏ các hạn chế đi lại, kết nối lại các đường bay với "chìa khóa" phối hợp để khởi động lại du lịch và khôi phục niềm tin trong du lịch quốc tế.
Đánh giá rất cao sự tích cực của du lịch Việt Nam khi tham gia các sự kiện quốc tế, dự án và sáng kiến của UNWTO, góp phần đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNWTO khẳng định: Sau hơn hai năm đại dịch, hiện nay là thời điểm quan trọng để Việt Nam khởi động lại ngành du lịch, đặc biệt cần chú trọng công tác xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến hướng tới các thị trường nguồn như Đông Bắc Á.
Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
"Phát triển du lịch bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm" chính là nguyên tắc hàng đầu đã được quy định trong Luật Du lịch năm 2017. Trong đó chỉ rõ, phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế-xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
Năm 2022, du lịch Việt Nam đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, chỉ đạt 70% kế hoạch năm nhưng du lịch nội địa lại đạt hơn 101 triệu lượt, hơn cả con số 85 triệu lượt của năm 2019 (khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện) và vượt qua tất cả các dự báo trước đó. Nhìn nhận sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của du lịch giai đoạn này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch Việt Nam cần "đi bằng hai chân" để không phụ thuộc vào một thị trường lớn nào, có khả năng thích ứng tốt hơn với khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh và tăng năng lực cạnh tranh du lịch với các nước trong khu vực và thế giới.
Để có thêm cơ hội phục hồi toàn diện ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đề xuất, UNWTO tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật và chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và điểm đến của Việt Nam.
Không chỉ cộng đồng những người làm du lịch mà toàn xã hội đang rất chú trọng đến du lịch bền vững để hướng tới một nền tảng vững chắc và tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các địa phương, điểm đến đều nhận định và hướng tới việc cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Bên cạnh đó, vẫn có thể duy trì được việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, các di sản, công trình có ý nghĩa về du lịch để tiếp tục phát triển du lịch trong tương lai.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch CLB Du lịch bền vững Vgreen cho biết: "Phát triển du lịch bền vững là nhu cầu tất yếu của thế giới và Việt Nam. Chúng tôi mong muốn xây dựng, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, dựa trên ba trụ cột môi trường, văn hóa-xã hội và kinh tế. Đồng thời, đáp ứng các mục tiêu về: Hiệu quả kinh tế; phát triển cho địa phương; sự thỏa mãn của khách du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa; bảo vệ tự nhiên; bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; an sinh xã hội; công bằng xã hội; nâng cao vai trò chức năng của các tổ chức du lịch, hiệp hội du lịch".
Việt Nam xác định không đánh đổi môi trường, văn hóa lấy lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng và nhu cầu cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn được đặt ra nhằm khai thác và bảo vệ tốt hơn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa của đất nước, đồng thời tạo sinh kế và cải thiện đời sống người dân.
Mới đây nhất, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) của Việt Nam được UNWTO công nhận là một trong 32 "Làng Du lịch tốt nhất năm 2022" trên toàn thế giới. Giải thưởng của UNWTO nhằm công nhận các điểm đến nông thôn coi du lịch là động lực phát triển và cơ hội mới tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị và sản phẩm cộng đồng. Những ngôi làng có cam kết đổi mới và định hướng phát triển bền vững ở những khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; tập trung phát triển du lịch phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) cũng được Giải thưởng vinh danh. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại AlUla, Saudi Arabia từ ngày 27 đến 28/2/2023.
Bài và ảnh: Nguyễn Anh