Những tán cây xanh ngắt với hình thù kỳ lạ ở rú Chá, làng Thuận Hòa (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) chứa đựng câu chuyện của hai vợ chồng già. Đó là ông Nguyễn Ngọc Đáp, 78 tuổi và bà Trần Thị Hồng, 76 tuổi nguyện đến rú trước là để sinh sống. Rồi thời gian trôi qua, rừng và người như một nhân duyên khởi tầm.
Loài cây chá độc đáo vươn cao. Ảnh: Thiên Định
Xem rú là nhà
Con đường bê-tông dẫn vào rú Chá xây dựng từ năm 2015 giúp việc đi lại trong khu vực được khô ráo. Với diện tích khoảng 5ha, rú Chá là cánh rừng ngập mặn nguyên sinh với những hàng cây chá mọc đan cành vào nhau. Nơi đây vào thời điểm cuối ngày thường có những đàn cò, bày chim tụ tập. Từ đỉnh tháp canh bằng bê-tông cao gần 50m giữa rú nhìn ra, bạt ngàn mầu xanh của lá, của mặt nước trải tít tắp. Có được kết quả xanh ngắt với thảm thực vật và số lượng các loài cá, tôm đa dạng như hiện tại là công sức bảo vệ của vợ chồng ông Đáp, bà Hồng.
“Từ ngày dọn ra đây ở, sáng ra vợ chồng tôi thả lưới, bủa lừ kiếm con cá con tôm. Trước đây, khoảng những năm 90 thế kỷ trước, khu rừng ni thường bị người dân đến đốn củi nên tôi với bả xin chính quyền ra đây dựng cái chòi, vừa làm nghề vừa giữ rú Chá”, ông Đáp nhớ lại. Thời điểm đó để dọn ra rú sinh sống, làm ăn không dễ. Nhìn khắp nơi toàn đất đá, cây cối um tùm, việc sinh hoạt thiếu thốn là điều đương nhiên. Tuy vậy, ông Đáp đã nhận thấy được ở khu vực này ông có thể làm nghề sông nước, bủa lưới, bà Hồng ở nhà nuôi thêm đàn gà, vịt. Vậy là đủ cho hai vợ chồng sinh sống.
Phía sau chuyến dời nhà đó là quyết tâm ra giữ rú Chá của ông Đáp. Để thực hiện được ước nguyện bảo vệ rú Chá, vợ chồng ông Đáp chấp nhận cuộc sống tách biệt, thiếu thốn. Ban đêm, họ lấy ánh sáng từ đèn dầu, nguồn nước sinh hoạt phải hứng nước mưa tích trữ lại… Vài năm gần đây, nguồn điện của tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt giải quyết phần nào vấn đề ánh sáng cho ngôi nhà giữa rú này. Mỗi ngày, từ sáng tinh mơ, ông Đáp chèo ghe một vòng quanh cánh rừng rú Chá, vừa thăm mẻ lưới vừa xem xét tình hình quanh khu rừng này. Ông thuộc lòng từng hàng cây, nhớ từng đàn cò bao nhiêu con, mùa cá nào sắp sinh sản.
Từ ngày giữa khu rừng mọc lên căn nhà của ông Đáp, số lượng những trường hợp đến rú chặt củi giảm dần. Nhớ ngày mới ra, mỗi lần nghe tiếng cộc cạch chặt cây, bất kể ngày đêm, ông Đáp liền ra nhắc khéo bà con đừng chặt củi ở rú để giữ cây chắn gió vào mùa mưa. Khi đó, ông Đáp liền bị những người này tỏ thái độ khó chịu. Ông vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ rằng chính cái dưới tán cánh rừng này là nơi cho cá tôm sinh sản, mặt khác nó còn giảm việc xâm thực mặn vào đất liền. Cá biệt, có những người vẫn cố tình chặt cây, ông Đáp cương quyết lên thông báo cho chính quyền địa phương để họ giải quyết.
Qua thời gian, người dân ở xã Hương Phong thấy cái lý cái tình trong lời của ông Đáp nên họ dần bỏ thói quen chặt củi ở rú Chá. Hơn ba thập kỷ qua, bà con trong làng Thuận Hòa đã tin tưởng, xem ông như người bảo vệ uy tín cho cả cánh rừng. Dẫn con trai đi đến rú Chá bắt cua, anh Trần Thanh Hải, dân làng Thuận Hòa khoe với chúng tôi hơn mươi con cua, cá mà hai cha con anh bắt được. “Bắt tay không nên mới được chừng ni thôi. Tí nữa chắc tôi phải mượn cái ghe của ông Đáp bơi qua bờ kia mới bắt được nhiều”, anh Hải bảo.
Ngồi trong nhà nhìn ra chỗ đàn cò đang đậu, tôi hỏi: “Ông bà có tính khi nào về lại nhà cũ ở với con cháu không?”. Ông Đáp cười chắc nịch: “Tụi tôi cũng già rồi, ở đây quen với cái khí hậu mát mẻ, không gian yên lặng. Mấy đứa con cháu cũng muốn tôi với bả về nhà cũ trong kia. Mà thôi, tôi không vô đâu. Ở đây còn canh cái rừng, cái rú nữa”.
Tiềm năng du lịch sinh thái
Trời đứng trưa, dọn mâm cơm với mấy con cá vừa đánh lưới được, bà Hồng ngồi chống cằm nhớ lại: “Hồi mới ra đây ở, nửa đêm ổng cầm đèn dầu đi canh những người chặt củi, tôi sợ lắm. Phần vì chưa quen chỗ ở, rồi nghe tiếng cóc nhái quanh nhà kêu. Chừ thì lại khác, lâu lâu cũng về thăm con cháu ở nhà cũ rồi lại phải ra đây thôi. Khách du lịch lai rai hay tới đây chơi lắm”.
Dù nằm tách biệt với khu dân cư bởi quốc lộ 49B, rú Chá hằng ngày vẫn thường xuyên đón du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống nơi rừng ngập mặn. Với không gian xanh mát, cùng tiếng chim chóc bay lượn chung quanh, vợ chồng ông Đáp, bà Hồng đã tận dụng cảnh vật tự nhiên đó làm nơi đón khách nghỉ chân. Dọc con đường bê-tông bên các ao tôm, những mái chòi nhỏ được ông Đáp dựng lên, bà Hồng mua vài lon nước, gói bánh phục vụ các nhóm khách. Nhờ đó mà thời gian qua, cuộc sống của hai vợ chồng “Robinson” này có thêm những đoàn khách bầu bạn, chuyện trò.
Nếu từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ rú Chá mang sắc xanh thẫm thì phía dưới mặt đất lại khác lạ hoàn toàn. Những bộ gốc cây chá to sừng sững với hình thù lạ mắt, đan chéo nhau dày đặc nâng đỡ tán lá rộng ở trên. Với chiều cao khi trưởng thành của cây chá đạt gần bốn mét tạo nên mái nhà chung cho nhiều loài động vật sinh sôi. Các loài thủy sinh như cua, còng thường đào ra những chiếc hang mà theo lời ông Đáp đó là dấu hiệu đặc trưng, nổi bật của rú Chá. Được biết, mỗi năm vào thời điểm cuối mùa thu, toàn bộ rừng cây ở rú Chá dần chuyển sang mầu vàng cam thu hút khách du lịch tìm đến thưởng ngoạn, check-in.
Theo đó, thời gian cao điểm có nhiều đoàn du khách đến rú Chá là vào tháng 8 và 9. Đó là mùa rụng lá của cây chá. Từng nhiều lần đưa khách đến đây, hướng dẫn viên du lịch Trần Quang Thành (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Mỗi lần đến đây, tôi nhận thấy rú Chá luôn mang một ý nghĩa rất lớn. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn ở khu vực Bắc Trung Bộ. Cánh rừng như tấm bình phong tự nhiên trước sóng bão, lũ và cả ngăn mặn cho khu vực hạ nguồn sông Hương. Bên cạnh đó, rú Chá còn góp phần bảo vệ và làm tăng độ đa dạng về hệ động thực vật”.
Khu rừng rú Chá góp phần làm cho du lịch Huế trở nên phong phú hơn về cả du lịch sinh thái, học tập và nhiếp ảnh. Anh Thành cho rằng, khi Huế mở rộng và hướng đến thành phố kinh tế biển thì rú Chá sẽ là điểm đến được khai thác hết tiềm năng vốn có của nó. Đồng thời giúp thu hút cho Huế lượng du khách khá cao. Bên cạnh đó còn đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương.
Điều mà du khách khi đến rú Chá nhớ nhất chính là hình ảnh những lối đi uốn lượn quanh co nằm dưới bóng mát của hàng cây chá. Hay hình ảnh sinh hoạt đời thường giản dị của người dân gắn bó với rú. Một khu rừng nhỏ được bao bọc bởi một bên cánh đồng, một bên là vùng đầm phá bất chợt rụng lá. Mảng mầu cam đỏ phủ khắp một vùng đất tựa như các cánh rừng ôn đới. Vẻ đẹp này thường được thể hiện qua đôi mắt của các nhiếp ảnh gia, khách nước ngoài hay những người ưa tìm về với thiên nhiên.
Trong đời sống tinh thần của dân làng Thuận Hòa, ngôi miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na nằm ở trung tâm của rú như một chỗ dựa vững chắc cho người dân. Ngôi miếu làm cho nơi đây vừa có ý nghĩa về mặt văn hóa, vừa thể hiện vẻ đẹp mang tính lịch sử của vùng.
Công sức của vợ chồng ông Đáp bây giờ đã được đền đáp với rừng chá bạt ngàn. Cùng với đó là ý thức trân trọng thiên nhiên ngày càng thể hiện rõ ở rú Chá. Người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở làng Thuận Hòa bảo rằng, khi có bão lũ thì ở trong rừng ít bị tổn hại hay ảnh hưởng hơn ở ngoài. Cho nên, đây luôn là nơi tránh lũ của bà con mỗi mùa nước đầu nguồn đổ về.
Rú Chá, sức sống đang vươn mình...
Trường An