Quảng Nam: Các điểm đến ở Hội An hút khách
Cập nhật: 08/02/2023
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, du khách đến tham quan Hội An mỗi ngày một đông, các điểm đến ở thành phố du lịch này đã thực sự khởi sắc sau nhiều năm vắng vẻ do tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

Rừng dừa Bảy Mẫu mỗi ngày đón không dưới 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Q.Hải

Những ngày qua, tại làng gốm truyền thống Thanh Hà, đông đảo du khách đến với tuyến tham quan này bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, bình quân mỗi ngày có từ 1.300 - 1.500 lượt khách mua vé tham quan, trong đó hầu hết là du khách đến từ Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Hào - Phó ban Quản lý làng gốm Thanh Hà, chia sẻ: “Chúng tôi đang vận động tất cả cơ sở tập trung chỉnh trang, đảm bảo không gian phục vụ. Năm nay mở rộng điểm phát quà cho du khách ra 3 điểm để tạo điều kiện cho du khách có không gian trải nghiệm.

Địa phương đang tiến hành đầu tư mạnh, tập trung chỉnh trang đường nội bộ trong làng nghề và dọc tuyến ven sông xanh sạch đẹp, thông thoáng cho du khách đến với làng nghề ngày càng đông hơn”.

Không chỉ làng gốm Thanh Hà, một số điểm đến khác như làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh)… cũng chứng kiến lượng khách đông đảo. Đơn cử như rừng dừa Bảy Mẫu, mỗi ngày có không dưới 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

“Địa phương rất vui mừng đón tiếp lượng khách đầu năm đến rất đông. Đây là cơ hội để người dân cải thiện thù nhập vì đây là sản phẩm du lịch cộng đồng, người dân được hưởng lợi” - ông Trần Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết.

Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, bình quân mỗi ngày khu phố cổ Hội An bán ra hơn 5.000 vé cho khách tham quan, phần lớn là khách đoàn và khách quốc tế.

Dù vậy, đây là con số khá nhỏ so với lượt khách tham quan phố cổ Hội An trong những ngày vừa qua. Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An ước tính mỗi ngày có khoảng 30 nghìn lượt khách đến tham quan khu phố cổ, phần lớn đến từ các địa phương lân cận và TP.Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Thành phố sẽ quyết tâm làm sạch đẹp khu phố cổ, đảm bảo không quá tải, không chạy theo số lượng, khả năng sẽ nâng giá vé kèm theo các dịch vụ tối ưu hơn để sàng lọc dòng khách.

Bên cạnh đó, ứng dụng các hạ tầng công nghệ phục vụ du khách, triển khai đề án du lịch thông minh, tạo tiện ích tốt nhất cho du khách. Thành phố cũng sẽ đảm bảo môi trường du lịch trên 5 phương diện về an ninh an toàn, trật tự đô thị giao thông, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp, văn hóa ứng xử - nếp sống thuần hậu của người Hội An phải trở thành thương hiệu và thứ 5 là môi trường thông tin cho du khách”.

Năm 2023, Hội An sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, phát triển các bến bãi; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm mang tính trải nghiệm văn hóa bản địa; tính toán lại kế hoạch phát triển mạng lưới lưu trú; thí điểm cùng trải nghiệm làm cư dân phố cổ, mở rộng cho các hộ dân trong kiệt hẻm tham gia. Cùng với đó sẽ tổ chức lại hệ thống quản lý các điểm đến, cải tiến phương thức bán vé tham quan…

Quốc Hải

 

Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 07/02/2023