Huyện Phong Ðiền được biết đến là vành đai xanh, vùng cây ăn trái nổi tiếng lâu đời của TP Cần Thơ. Lợi thế này giúp địa phương phát triển nhanh loại hình du lịch nông nghiệp. Ðây cũng là một trong những loại hình được ngành Du lịch thành phố chú trọng thông qua Ðề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên, để có sự phát triển bứt phá, cần tháo gỡ nhiều khó khăn...
Lợi thế du lịch nông nghiệp
Huyện Phong Ðiền có hơn 8.500ha vườn cây ăn trái, chiếm đến 1/3 diện tích vườn cây ăn trái của TP Cần Thơ. Ðất Phong Ðiền cũng nổi tiếng với nhiều trái cây đặc sản, như: dâu hạ châu, vú sữa, sầu riêng, măng cụt… Lợi thế này giúp du lịch Phong Ðiền phát triển nhanh du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Ngày càng có nhiều vườn cây lâu năm dần kết hợp làm nông với du lịch. Anh Nguyễn Tấn Quang, chủ Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương (159 Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Ðiền), nói: “Gia đình tôi làm du lịch từ đầu những năm 1990 đến nay. Chủ yếu là vườn dâu và măng cụt được để tự nhiên, nên mùa trái cây khách đến rất đông”. Còn Ông Phạm Văn Hoàng, chủ Vườn 9 Hồng (398 ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh), cho biết: “Lúc trước gia đình làm nông, sau chuyển sang làm du lịch được mấy năm nay. Vườn nhà tôi có diện tích 15.000m2 trồng chủ yếu là chôm chôm, dâu, sầu riêng. Vườn cây giữ nguyên như vốn có nên có nhiều khách quay lại vì yêu thích không gian vườn trong lành, trái cây tự nhiên”.
Phong Ðiền hiện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa, trong đó các điểm vườn, khu du lịch sinh thái chiếm tỷ lệ hơn 2/3. Ða phần các điểm vườn làm du lịch ở đây đều là những vườn lâu năm và tận dụng được các đặc sản bản địa. Ðiển hình như Vườn sinh thái, cơ sở bánh hỏi mặt võng Út Dzách (509 tỉnh lộ 61B, ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái) kết hợp làm kinh tế vườn với du lịch thông qua khai thác nghề gia truyền làm bánh hỏi mặt võng. Anh Trần Thiện Cảnh, chủ vườn, nói: “Vườn nhà tôi lập mấy chục năm, trồng chủ lực dâu hạ châu với măng cụt. Mỗi vụ thu vài tấn trái cây. Khi làm du lịch thì vừa có nguồn thu từ kinh tế vườn vừa có nguồn thu từ du khách đến tham quan, trải nghiệm tại cơ sở làm bánh của gia đình”.
Với lợi nhuận kép từ kinh tế vườn và du lịch, nhiều hộ dân tại Phong Ðiền đã chuyển sang làm du lịch nông nghiệp. Tại các xã như Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa… các điểm du lịch phát triển rất nhiều. Trong đó có không ít cơ sở hướng đến du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Phạm Ngọc Ðá, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (đường Nguyễn Văn Cừ, xã Mỹ Khánh), cho biết: “Mô hình của tôi là du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng đến những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Cụ thể ở đây là quy trình hữu cơ khi trồng đông trùng hạ thảo. Trong định hướng sắp tới, chúng tôi xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm không gian miệt vườn với liệu trình chăm sóc sức khỏe”.
Sự phát triển các điểm du lịch nông nghiệp thời gian qua phù hợp với định hướng du lịch của địa phương, đó là phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh bền vững. Ðiều này cũng phù hợp với đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ðề án cũng xác định khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, góp phần làm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ; xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Cần Thơ… Ngành Du lịch thành phố trên cơ sở khảo sát thực tế, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp; đồng thời có những tham mưu, đề xuất các chính sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển. Trong đó, Phong Ðiền cũng được xác định là một trong những địa phương chủ lực để hoạch định và xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Vườn sầu riêng tại Phong Ðiền.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dù Phong Ðiền có thế mạnh về du lịch nông nghiệp, đồng thời có quá trình từ rất sớm phát triển loại hình du lịch này; tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn gặp không ít khó khăn trong khai thác và phát triển.
Ông Phạm Văn Hoàng, chủ Vườn 9 Hồng, nói: “Hiện chúng tôi gặp khó khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm du lịch. Vườn cây của nhà tôi lâu năm rồi, là đất nông nghiệp, giờ làm du lịch, theo quy định mới thì phải chuyển đổi. Nếu chuyển đổi hết 15.000m2 đất thì thực sự gia đình tôi không đủ tiền. Mặt khác, đường giao thông đến các điểm vườn rất khó, xuống cấp nên tôi cũng có đề xuất ngành du lịch, chính quyền địa phương quan tâm đến điều này”. Ðồng quan điểm, anh Trần Thiện Cảnh, chủ Vườn sinh thái, cơ sở bánh hỏi mặt võng Út Dzách, cho biết: “Dù đường sá đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn gặp khó. Nhiều lần tôi kết nối với các đơn vị lữ hành ở TP Hồ Chí Minh mời họ về khảo sát để xây dựng tour tuyến nhưng sau đó đều nhận được phản hồi rằng đường không thể cho xe lớn vào, thì sao họ đưa khách đến? Tôi mong được địa phương, ngành chức năng quan tâm đến vấn đề này. Mặt khác, trước giờ gia đình làm theo kiểu tự túc nên cũng gặp khó về kinh phí, đầu tư theo dạng gối đầu nên có khi các dịch vụ, sản phẩm không được chỉn chu. Qua đó cũng mong muốn có cơ chế chính sách hỗ trợ người nông dân làm du lịch”.
Anh Nguyễn Tấn Quang, chủ Vườn du lịch sinh thái Giáo Dương, bày tỏ: “Về kỹ thuật thì nông dân chúng tôi có thể hỗ trợ nhau, nhưng về cách thức làm du lịch thì đa phần chúng tôi đều tự làm nên không có bài bản. Chúng tôi cũng không biết cách làm thế nào xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Do đó, tôi cũng mong muốn có nhiều lớp tập huấn, các chuyến học tập kinh nghiệm để chúng tôi có thể học tập các mô hình làm du lịch nông nghiệp sao cho hiệu quả. Ngoài ra, tôi cũng mong địa phương, ngành chức năng có thể hỗ trợ chúng tôi về mặt quảng bá, kết nối lữ hành. Vì thực tế chúng tôi tự làm nên nguồn khách cũng không ổn định”. Trong khi đó, anh Ngô Bình Trị, chủ khu Vàm Xáng Rustic, bày tỏ trăn trở: “Phong Ðiền là vùng du lịch xanh và thành phố cũng đã có định hướng phát triển phù hợp cho địa phương. Nhưng vấn đề cấp bách cần được quan tâm là rác thải ở các tuyến sông, kênh rạch. Vấn đề môi trường rất là quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh du lịch đối với du khách. Do đó, tôi cũng có đề xuất ngành Du lịch thành phố và chính quyền sở tại nên quan tâm và đưa ra những giải pháp cho vấn đề này”.
Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt khảo sát để đánh giá thực trạng du lịch tại Phong Ðiền, cũng như quá trình phát triển du lịch nông nghiệp trong năm qua ra sao. Phong Ðiền là một trong những địa phương mà ngành Du lịch thành phố định hướng thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông. Tuy nhiên, thực tế hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương có nhiều khó khăn và chúng tôi đang lắng nghe để tìm những giải pháp tháo gỡ. Qua các đợt khảo sát, chúng tôi sẽ dựa trên thực tế để có những đề xuất, kiến nghị tham mưu UBND trình HÐND về cơ chế, chính sách đối với du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông, hướng đến xây dựng nghị quyết mới”.
Du lịch Phong Ðiền đã tạo được dấu ấn với du khách về bản sắc miệt vườn với những vườn cây trái xum xuê, người dân mến khách. Tuy nhiên, những điểm vườn tại đây vẫn còn nhỏ lẻ và chưa thực sự được đầu tư bài bản, chỉn chu. Do đó để phát triển du lịch nông nghiệp, địa phương và ngành chức năng phải có những định hướng và giải pháp hỗ trợ phù hợp, từng bước định hình và xây dựng thương hiệu du lịch xanh Phong Ðiền.
Bài, ảnh: Ái Lam