Hội thảo Đề án lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm
Cập nhật: 17/12/2009
Chiều ngày 16/12/2009, tại Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức Hội thảo Đề án lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Để phát huy truyền thống văn hóa của khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, UBND Quận Hoàn Kiếm và Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp thực hiện Đề án “Nghiên cứu tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”. Mục đích của Đề án là nghiên cứu bảo tồn các nghi thức cúng, tế lễ, đặc biệt là lễ hội trong các di tích thờ thiên thần, nhiên thần và nhân thần ở khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Tham gia thực hiện Đề án có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và những đơn vị quản lý văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Với 15 chuyên đề, Đề án đã nghiên cứu, xem xét 14 di tích và sự kiện cần được tổ chức lễ tế với nghi thức truyền thống, trong đó có 7 lễ hội theo nghi lễ đầy đủ, kế thừa nghi thức cổ truyền, vận dụng trong xã hội hiện đại, đặc biệt cố gắng có nghi thức “lễ rước” – nét độc đáo của lễ hội đường phố ngày nay (Lễ hội đền Bạch Mã, đền Yên Thái…). Các lễ hội như: Lễ hội vua Lê đăng quang và hội trả gươm, Lễ hội nghề Kim Hoàn, Lễ hội Trung thu phố cổ, Lễ hội Đông y – thuốc y học cổ truyền, Lễ hội truyền thống Liên khu I đều được xây dựng theo kịch bản mới, xuất phát từ truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng của dân tộc diễn ra ở địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Tại cuộc Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm về sự cần thiết phải thực hiện các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, cũng như những kinh nghiệm tổ chức thành công các lễ hội trên địa bàn quận.

Thạc sĩ Phạm Thị Kim Thanh, Phó phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội với tham luận “Vài suy nghĩ về Lễ hội truyền thống liên khu I” cho rằng: “Lễ hội liên khu I tưởng nhớ các liệt sĩ đã chiến đấu bảo vệ Thủ đô với lý tưởng cách mạng bảo vệ nền độc lập vừa giành được không chỉ là sự kế thừa mà còn nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thời đại mới, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, việc tổ chức Lễ hội liên khu I là hết sức cần thiết”.

Trong tham luận của phường Hàng Trống có nêu ra những biện pháp để thực hiện thành công các lễ hội: “Thành lập Ban chỉ đạo và Ban Tổ chức lễ hội, tăng cường công tác giáo dục truyền thống; Lựa chọn kịch bản, xác định quy mô, không gian, thời gian của lễ hội căn cứ vào đặc điểm, mục đích, yêu cầu ý nghĩa của từng lễ hội; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, các hội ngành nghề, các dòng họ có liên quan, vận động thực hiện xã hội hóa động viên tập thể, cá nhân đóng góp công sức để tổ chức lễ hội thành công tốt đẹp…”.

Một số tham luận của phường Hàng Buồm, phường Hàng Gai, phường Đồng Xuân, phường Hàng Bạc cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.

Kết luận Hội thảo, Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho rằng: Các kịch bản về cách thức tổ chức các lễ hội trong khu phố cổ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm đã được viết đúng với nguyên bản, đúng với thực tế và phù hợp với hoàn cảnh phố phường, đô thị chật hẹp tại thủ đô. Khi thể hiện trong thực tế, các phường chỉ cần nghiên cứu kỹ các kịch bản trong Đề án là có thể thực hiện tốt các diễn trình của từng lễ hội với sự sáng tạo, gia giảm cần thiết cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Tiến sĩ Lưu Minh Trị cũng nhấn mạnh, cần nhân rộng nghi thức “rước lễ” - nét độc đáo của lễ hội đường phố để vừa bảo vệ bản sắc dân tộc, vừa tạo ra không khí lễ hội dân gian vui tươi nơi đô thị, vừa thu hút khách du lịch.
ĐCSVN