Trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội
Cập nhật: 22/03/2023
Ngày 21/3, trong khuôn khổ Hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, không gian trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội với nhiều sản phẩm đặc trưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm không gian trưng bày.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã tới dự lễ ra mắt và tham quan không gian trưng bày.

Không gian trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội được chia thành các không gian nhỏ, với nhiều chủ đề riêng biệt. Đó là không gian văn hóa của 6 làng nghề tiêu biểu, gồm: Gốm Bát Tràng, khảm trai Chuyên Ngọ, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc.

Không gian trưng bày sách, với trên 200 tư liệu được tuyển chọn cho 2 nội dung chính, gồm: Quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam và văn hóa Thăng Long - Hà Nội, giá trị tinh thần, nguồn lực phát triển Thủ đô, giới thiệu quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội - nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô và đất nước trong giai đoạn mới.

Ở mảng di tích lịch sử - văn hóa, Ban Tổ chức giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử với các hình ảnh tư liệu, hiện vật theo hai chủ đề chính: Các di tích còn trên mặt đất như Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, thềm Điện Kính Thiên và một số hiện vật tiêu biểu được khai quật tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; các hoạt động, nghi thức lễ hội được bảo tồn, phát huy đến ngày hôm nay tại khu di sản.

Hình ảnh tại không gian trưng bày.

Ngoài ra, còn có không gian trưng bày giới thiệu về khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, theo hai nội dung là các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 đang triển khai tại khu di tích và các sản phẩm lưu niệm đang phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm; không gian trưng bày và trình diễn mô hình mô phỏng nỏ thần liên châu của An Dương Vương. 

Các hoạt động trưng bày, triển lãm tại hội thảo nhằm tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, góp phần cung cấp tài liệu cho các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… có thêm các góc nhìn đa chiều để đưa ra những ý kiến tâm huyết, đóng góp hiệu quả, đề xuất chính sách giải pháp mang tính sáng tạo, đổi mới trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Trung Anh

Báo Đảng cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 21/03/2023