Trước hết phải duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ - một dân tộc bản địa Tây Nguyên, rồi mới nói đến chuyện phát triển các giá trị ấy trong đời sống đương đại.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mạ
Đó là lộ trình mà xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) đã đặt ra để từng bước bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ trước khi nghĩ tới bước tiếp theo tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, biến văn hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế địa phương. “Mới đây, xã Lộc Tân vừa hỗ trợ Nhân dân Thôn 3 số tiền 10 triệu đồng để người dân có thêm điều kiện tài chính, phục vụ các buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cồng chiêng. Trước đó, năm 2022, xã Lộc Tân cũng đã mua 4 bộ chiêng cho 4 thôn, gồm Thôn 1, Thôn 2, Thôn 3 và Thôn 6, với tổng số tiền 32 triệu đồng, giúp người dân có cồng chiêng để cùng nhau tập luyện, sinh hoạt, qua đó góp phần lưu giữ những giá trị quý báu của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, cho biết.
Theo ông K’Nhiếp, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, với sự hỗ trợ của Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Lạt (Caritas Da Lat), Lộc Tân đã phục dựng 2 căn nhà dài truyền thống của người Mạ, 1 căn ở Thôn 2 (năm 2022) và 1 căn ở Thôn 3 (năm 2023) làm nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cho người dân trong thôn. “Năm 2022, Lộc Tân phối hợp cùng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Phan Chu Trinh đóng trên địa bàn xã mở 2 lớp truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho 45 học sinh người Mạ đang theo học tại đây, nhằm khơi dậy tình yêu đối với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn các em học sinh sẽ hiểu thêm về văn hóa cha ông, nhân lên tinh thần trách nhiệm trong gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng”, ông K’Nhiếp chia sẻ. Chủ tịch UBND xã Lộc Tân Nguyễn Văn Nam nói thêm: “Ngoài ra, xã Lộc Tân còn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho Đội văn nghệ cồng chiêng xã Lộc Tân tham gia các hội thi, hội diễn do huyện Bảo Lâm, hoặc tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Bên cạnh đó, xã Lộc Tân cũng đã giới thiệu Đội văn nghệ cồng chiêng xã Lộc Tân và các nghệ nhân tham gia giao lưu, biểu diễn văn nghệ cồng chiêng tại các điểm du lịch mới nổi ở xã Lộc Tân”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, qua những lần tham gia hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ cồng chiêng như vậy, các nghệ nhân cồng chiêng sẽ tự mình hoàn thiện dần kỹ năng, tiến tới sống được bằng nghề diễn tấu cồng chiêng. Thêm nữa, cứ 2 năm 1 lần, Lộc Tân lại tổ chức giao lưu văn nghệ cồng chiêng giữa các đội cồng chiêng trong xã. Nó không chỉ để thu hút sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân, còn tạo điều kiện để các nghệ nhân của các đội văn nghệ cồng chiêng được gặp gỡ, trao đổi những kỹ năng diễn tấu, trau dồi, học hỏi lẫn nhau về nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. “Chúng tôi vừa cử 1 đội văn nghệ cồng chiêng đi tham quan, học tập cách tổ chức văn nghệ cồng chiêng Tây Nguyên của các đội văn nghệ cồng chiêng tại Lang Biang để về áp dụng ở địa phương”, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân Nguyễn Văn Nam cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, để văn hóa người Mạ có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, xã Lộc Tân đã thành lập Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Du lịch xã Lộc Tân như một sự bổ trợ; đồng thời, đưa nghề dệt thổ cẩm ở Lộc Tân đi vào hoạt động tại đây, nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân và tất nhiên không thể thiếu diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên. “Chúng tôi hi vọng, thời gian ngắn tới đây, khi hạ tầng cơ sở tốt hơn, nhất là hạ tầng giao thông được hoàn thiện và mang tính kết nối hơn, các nhà đầu tư sẽ đồng hành với xã Lộc Tân để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa cùng người bản địa Tây Nguyên”, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân Nguyễn Văn Nam kỳ vọng.
Triều Ka