TP. HCM: Thiềng Liềng vượt ngại để làm du lịch
Cập nhật: 27/04/2023
Sống trên ấp đảo xa nhất Thành phố Hồ Chí Minh, bao năm nay, hơn 200 hộ dân ở Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) kiếm thu nhập chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt hải sản, buôn bán nhỏ lẻ. Vậy nên, những ngày đầu triển khai mô hình “Du lịch cộng đồng” nơi đây, chị Nguyễn Thị Kim Loan cùng nhiều bà con thấy cái gì cũng mới, bỡ ngỡ vô cùng. Chị Loan kể, mấy lần đầu khách du lịch ghé thăm, gia đình chị cứ đứng trong cửa nhìn ra, không dám chào vì… ngại.

Khách du lịch đánh giá cao mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng và mong đợi nhiều hoạt động trải nghiệm hơn.

Gõ cửa rủ từng nhà làm du lịch

Chuyện ngượng ngùng, bối rối là của hơn ba tháng trước, còn bây giờ mọi thứ đã vào nếp. Bà con Thiềng Liềng dạn dĩ, vui vẻ hơn khi thấy người lạ đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ du lịch nơi đây. Cứ hễ hợp tác xã báo sắp có khách, gia đình chị Loan lại rộn ràng soạn chén dĩa, nhắn ghe hàng giao thêm bột và nguyên liệu cần thiết để làm các loại bánh đặc trưng miền nam. Trước khi trở thành một trong số 16 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng tại ấp đảo, chị Loan cùng con dâu mở quán nước nhỏ ngay tại nhà. Từ ngày dựng bảng “Hộ Hai Loan - Món bánh dân gian”, nhà chị lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Mới ngót bốn tháng, chị tiếp xúc với người lạ nhiều hơn thời gian đằng đẵng sinh sống ở ấp đảo này.

Khách đến ăn, chị Loan ra ngồi trò chuyện. Chị hay giới thiệu về các món ngon ở Thiềng Liềng, về bánh quê hay chuyện vui nơi ấp đảo, ai nghe cũng thích vì mộc mạc, gần gũi vô cùng. Khách nào muốn học làm bánh, chủ hộ liền mời vào bếp, soạn nguyên liệu rồi hướng dẫn chi tiết từng công đoạn. “Hồi đó đến giờ Thiềng Liềng có nhiều khách lạ ghé thăm vậy đâu, nhờ làm du lịch hết đó. Ban đầu còn mắc cỡ nhưng vài lần là quen. Khách tới, khen bánh ngon, cảnh đẹp, tự dưng thấy lòng phấn khởi lắm. Làm du lịch cộng đồng như vầy, bà con hàng xóm hỗ trợ nhau, mỗi người một dịch vụ, khách thêm trải nghiệm, mình thêm thu nhập”, chị Loan vui vẻ cho hay.

Cũng vì ngại tiếp xúc với người lạ mà ban đầu gia đình chị Sáu Trúng nhất quyết không tham gia làm du lịch cộng đồng cùng với bà con ấp đảo dù điều kiện có sẵn. Vận động mấy lần chưa xuôi, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Du lịch Thương mại Thiềng Liềng quyết định không bỏ cuộc. Suốt mấy tuần liền, chị Tuyết cứ tới lui, tìm đủ cách thuyết phục chị Sáu. Chị Tuyết nhắc lại chuyện cũ: “Nhà rộng, biết làm món ngon vậy mà chị ấy không tham gia là hơi tiếc. Ngày ngày tôi cứ gõ cửa, nói đủ đường. Lần nào cũng rủ làm đi, làm kiếm thêm thu nhập, quen thêm nhiều người, nhà cửa đẹp hơn và mình cũng vậy. Vận động các kiểu, cuối cùng chị ấy cũng đồng ý. Mừng quá, hợp tác xã hỗ trợ mua sắm dụng cụ để chị làm sâm giải nhiệt. Giờ thì chuyên nghiệp lắm rồi”.

Trong chuỗi du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng có một trường hợp rất đặc biệt là hộ gia đình anh Nguyễn Anh Quân. Cả nhà anh chẳng phải người ở ấp đảo, cũng chẳng có họ hàng hay người quen nơi đây. Vậy mà trong một dịp tình cờ được ghé thăm mảnh đất này, anh Quân cùng ba mẹ quyết bỏ phố về đảo sinh sống. Yêu Thiềng Liềng và có nhiều ý tưởng làm du lịch, nghe địa phương phát động mô hình, gia đình anh Quân tham gia ngay từ ngày đầu với một không gian hoài niệm đậm nét văn hóa Bắc Bộ. “Khách tới đây thường rất ngạc nhiên. Họ thắc mắc tại sao lại có một ngôi nhà mang đậm dấu ấn của người miền bắc giữa không gian sông nước miền nam như thế này. Người ta cũng tò mò vì sao một gia đình người bắc lại chọn sinh sống và tham gia làm du lịch ở đây. Chúng tôi làm vậy chỉ vì muốn cả người dân ở Thiềng Liềng và du khách có thêm trải nghiệm về nét văn hóa vùng miền khác theo cách gần gũi, thú vị nhất có thể. Gia đình tôi mất hơn một năm với rất nhiều chuyến đi để đem được các vật trưng bày về đây”, anh Quân, chủ Không gian hoài niệm - Me House cho biết.

Không gian hoài niệm của gia đình anh Quân đặt giữa vườn cây xanh mướt đúng kiểu thôn quê. Khi khách tới, anh giới thiệu cho mọi người các thức uống đặc trưng của miền bắc hay món hoa quả dầm nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội. Khách thích thưởng trà sẽ có thêm kẹo lạc. Vài trăm món trang trí từ vật dụng làm nông, sinh hoạt hằng ngày đến đồ cổ giá trị cao được bố trí trong nhiều không gian hợp lý với phần kể chuyện, thuyết minh của chủ nhà khiến khách vừa bất ngờ, vừa ấn tượng. Nếu thích, khách có thể tập sử dụng các loại nông cụ ở đồng bằng Bắc Bộ hay thử dùng cối xay bột, cuốc đất…

Từ từ gỡ khó

Bên cạnh Không gian hoài niệm, gia đình anh Quân còn đưa vào vận hành Thiềng Liềng Homestay. Sắp tới là mô hình nhà sàn, khu cắm trại để phục vụ đa dạng nhu cầu trải nghiệm, khám phá vùng đất này của du khách. Những gì mà gia đình anh Quân cùng một số hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng đã, đang và sẽ làm đang tạo nên chiếc áo mới cho vùng đất xưa nay vốn quen với ruộng muối, ghe đò. Nhiều nhà năm nay kết thúc vụ muối sớm quay sang phụ gia đình anh Quân hoàn tất các công trình xây dựng, trang trí để kiếm thêm thu nhập.

Khu làm muối cũng được quy hoạch thành một trong các điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách khi đến Thiềng Liềng. Như vậy, ngoài việc làm và thu hoạch muối như trước đây, diêm dân giờ có thêm việc thời vụ là hướng dẫn viên ngay tại ruộng. Được tìm hiểu về nghề muối và tự tay thu hoạch, du khách thích thú, diêm dân cũng hào hứng. Ngày đông khách, các hộ đăng ký mô hình du lịch luôn chủ động phối hợp với hàng xóm để các khâu phục vụ được tươm tất, chỉn chu. Không chỉ san sẻ nguồn thu, cùng nhau phát triển, việc tận dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương cũng tạo nên nét độc đáo cho du lịch Thiềng Liềng. Mỗi tháng, hợp tác xã sẽ họp một lần. Các hộ thay phiên nhau đăng ký tổ chức họp để vừa tổng kết chi tiêu, phản ánh bất cập vừa cùng nhau trải nghiệm dịch vụ, góp ý cho chủ nhà làm tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Yến, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thiềng Liềng kể, có được mô hình du lịch cộng đồng như ngày hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của ấp đảo. Còn nhớ khi mới nghe tin sắp làm du lịch, nhà nào cũng lắc đầu từ chối. Người dân ngại thay đổi, sợ làm mệt mà chẳng được gì, sợ đủ thứ. Rồi Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng UBND huyện Cần Giờ, xã Thạnh An về triển khai, các thông tin dần rõ, người dân bớt hoài nghi nhưng vẫn ngại. Việc tuyên truyền, vận động cứ vậy được thực hiện sao cho người dân thấy cái hay của du lịch cộng đồng.

Làm cộng đồng mà bà con không đồng tình thì sao phát triển được. Ban đầu, gia đình trưởng ấp cũng ngại tham gia vì bận nhiều việc nhưng rồi ông nghĩ “Mình không làm gương thì tuyên truyền suông ai nghe?”. Vậy là nhà ông Yến đăng ký tham gia mô hình. Bà con thấy vậy từ từ làm theo. Sau đó, các hộ thích làm du lịch được đưa đi tham quan mô hình hiệu quả, được tập huấn nên dần tự tin hơn. Ai giỏi gì đăng ký làm dịch vụ đó, thiếu người, thiếu điều kiện thì nhờ hỗ trợ. Vừa làm vừa học, vậy mà chưa tới nửa năm, mọi thứ đã dần thành hình, nhiều nơi đi vào ổn định.

Mô hình “Du lịch cộng đồng” tại Thiềng Liềng sắp chuyển sang giai đoạn hai với nhiều công trình, dịch vụ bổ sung. Giai đoạn này, các hộ làm du lịch tại ấp đảo đang đóng góp ý tưởng, triển khai thêm hoạt động, công trình mới, chuẩn bị cho mùa du lịch hè. Khung cảnh thanh bình, người dân thân thiện, không khí trong lành, thế nhưng, cái khó lớn nhất của du lịch Thiềng Liềng hiện nay là chuyện đi lại. Chi phí du thuyền, ca-nô quá cao, trong khi nếu đi bằng đường bộ rồi di chuyển nhiều lần từ phà sang đò, phải gần bốn tiếng đồng hồ, du khách mới có thể từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh về với Thiềng Liềng. Đường xa, phương tiện hạn chế khiến Thiềng Liềng dù hội đủ yếu tố phát triển du lịch hiện vẫn còn khá thưa khách.

Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An cho rằng, với những nét đặc trưng hiện có, nếu giải quyết được vấn đề đi lại, chắc chắn mô hình du lịch tại Thiềng Liềng sẽ như mong đợi. Trong giai đoạn hai của dự án, vấn đề bến bãi, di chuyển của du khách là điểm mấu chốt mà thành phố và địa phương cùng chung tay tháo gỡ. “Thiềng Liềng là ấp đảo biệt lập, do đó khách muốn đến đây cần đi bằng đò. Muốn đi đò thì trước tiên phải bảo đảm an toàn. Sắp tới, xã sẽ tập trung đào tạo nghề cho lực lượng lao động có phương tiện vận chuyển khách. Cùng với đó là việc bảo vệ môi trường để vừa phát triển du lịch đem lại nguồn thu, vừa duy trì hệ sinh thái vốn có. Công tác tuyên truyền, khuyến khích sẽ đi kèm với kiểm tra, giám sát để người dân cùng chung tay”, ông Sơn cho biết thêm.

Bài và ảnh: Khởi Minh

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 26/04/2023