Hà Lan tặng hơn 22.000 bông hoa tuy líp cho Hà Nội nhân dịp diễn ra Lễ hội Hoa Hà Nội
Cập nhật: 22/12/2009
Hơn 22.000 bông hoa tuy líp màu sắc rực rỡ sẽ được trưng bày xung quanh hồ Hoàn Kiếm, dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng.

Hoa tuy líp góp phần tạo nên một khung cảnh đẹp 
trong Lễ hội Hoa Hà Nội

Đây là món quà mà bà Gerda Verburg, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm gửi tặng nhân dân thành phố Hà Nội vào dịp Hà Nội tổ chức Lễ hội Hoa. Hoa tuy líp là biểu tượng được yêu thích của Hà Lan thể hiện tình cảm bạn bè quốc tế với nhân dân Thủ đô.

Cùng với hoa tuy líp, một đôi giày gỗ khổng lồ của Hà Lan cũng sẽ được trưng bày trong dịp này.

Diễn ra từ ngày 30/12/2009 đến 3/1/2010, Lễ hội Hoa Hà Nội lần thứ hai do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Cty CP Âm nhạc và Giải trí DC, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức, kéo một vòng xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Điểm nhấn là trục đường Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch, tượng đài vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, mặt hồ Hoàn Kiếm.

Trên đường Đinh Tiên Hoàng có hàng loạt đại cảnh. Tác phẩm sắp đặt Trống hội ngàn năm sắp xếp hoa và những chiếc trống lớn của nghệ nhân và thợ thủ công Hợp tác xã Lâm Yên - Quảng Nam tham gia Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam hướng tới ngàn năm Thăng Long. Giữa trống và hoa, nghệ nhân Hà Nội trổ tài biến 1.000 đóa hoa thành tà áo dài 10m.

Thăng Long xưa hội đủ nông nghiệp, tiểu thủ công và thương mại. Kinh thành trồng lúa nước, người Thăng Long lại biết chơi hoa từ thời Lý với làng Nghi Tàm và Võng Thị, đại cảnh làng lúa - làng hoa tái hiện một thuở Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng (ca khúc Làng lúa làng hoa của Ngọc Khuê). Tất cả hoa đều của Hà Nội trồng được.

              Biểu tượng cây cầu Long Biên

Tiếp đến là Khuê Văn Các tạo hình từ tre, hoa và cây xanh. Đắp đập be bờ, đổ nước, quây tre trên phố, thế là thành hồ Văn. Đạo học tiếp tục được vinh danh bằng sách hoa: cuốn sách lớn nằm trên thảm hoa khổng lồ đặt đối diện Tháp bút đài nghiên. Ban tổ chức dự tính đưa hoa tulip vào cuốn sách giữa thảm hoa này.

Rồi hoa – cau - trầu kết hợp, rồi hoa Hà Nội biến hóa trong bốn mùa, rồi biểu tượng Hà Nội cao bốn mét rưỡi kết từ một ngàn bông cúc vàng. Cây cầu Long Biên trăm tuổi cũng được tái hiện, không vươn qua bãi giữa hay những con phố bờ sông ẩm thấp mà… như đang bay trên hoa.

Hình tượng rồng thiêng bên tượng đài Lý Thái Tổ

Khu tượng đài Lý Thái Tổ đặt ba đại cảnh: Biểu tượng rồng thiêng cao 6m với 9 rồng chầu do nghệ nhân TPHCM làm từ hoa, quả tươi; rồi Chiếu dời đô bằng hoa; bình hoa sen mây cao 5m với những đóa sen lớn đường kính một mét do nghệ nhân làng mây tre đan Phú Vinh - Hà Nội thực hiện.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, nói: “Năm ngoái một số người đi xem hội, muốn lội giữa tiểu cảnh, đại cảnh để xem hoa và muốn có gì đó mang về, năm nay sẽ có hoa cho họ mang về: Hoa được bán tại phố Lê Thạch“.Theo Ban tổ chức, lễ hội hoa khai mạc trước giao thừa năm mới một ngày cũng là tạo không gian thông thoáng cho người xem.
VOV