Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị xác định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch đã trở thành ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia, góp phần quan trọng trong hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh của đất nước, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.
Giàu tiềm năng
Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Bình Phước có những lợi thế để phát triển du lịch như: Gần thị trường du lịch phát triển sôi động là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ hằng năm đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Giao thông đường bộ với 3 tuyến chính là QL13, QL14 và ĐT741 rất thuận lợi để xây dựng tuyến du lịch từ các thị trường du lịch vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia và Lào đến Bình Phước. Đặc biệt, Bình Phước có tài nguyên du lịch phong phú với hệ thống rừng nguyên sinh, danh lam thắng cảnh đa dạng, hệ thống di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa sâu sắc, cộng đồng 41 dân tộc cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc khác nhau.
Nếu nhìn lợi thế du lịch Bình Phước qua các tuyến du lịch, trước hết phải kể đến sản phẩm du lịch về nguồn, về các địa chỉ đỏ trên tuyến QL13 với các di tích như: Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô ở Hớn Quản, Mộ 3.000 người ở Bình Long, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Di tích lịch sử quốc gia tổng kho xăng dầu VK98, Di tích lịch sử quốc gia Cục Hậu cần Miền tại hồ Cầu Trắng. Trên tuyến ĐT741 có Di tích lịch sử quốc gia núi Bà Rá, nơi thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ - Phú Riềng Đỏ. Về du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên, Bình Phước có Vườn quốc gia Bù Gia Mập với diện tích tự nhiên 26.032 ha, hệ động - thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và những thác nước hùng vĩ. Tuyến QL14 có Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, thác Đứng, trảng cỏ Bù Lạch là những danh thắng nổi tiếng ở Bình Phước.
Di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia núi Bà Rá, TX. Phước Long hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn tại Bình Phước - Ảnh: Phú Quý
Nhìn ở góc độ sản phẩm du lịch, Bình Phước có núi Bà Rá với Miếu Bà linh thiêng, hằng năm từ mồng 1 đến 3-3 âm lịch là mùa vía bà với hàng ngàn du khách đến tham quan và chiêm bái. Bình Phước có cộng đồng các dân tộc từ mọi miền Tổ quốc về sinh sống và lập nghiệp, đặc biệt là đồng bào S'tiêng, M'nông có những giá trị văn hóa đặc sắc như: cồng chiêng, dệt thổ cẩm, ẩm thực phong phú với các món ăn được chế biến từ lá nhíp, đọt mây, thịt nướng, rau rừng... những lễ hội dân gian được phục dựng và nghề truyền thống chế tác các công cụ lao động, nhạc cụ và đồ thủ công mỹ nghệ. Trong những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đầu tư các dự án lớn như: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, Khu du lịch tâm linh núi Bà Rá, trảng cỏ Bù Lạch.
Tuy nhiên, du lịch Bình Phước vẫn chưa thực sự phát triển, chưa trở thành ngành kinh tế trọng điểm tạo nguồn thu cho ngân sách và thu nhập cho người dân, thu hút du khách đến với Bình Phước tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho du lịch Bình Phước còn thấp; tỉnh chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nguồn nhân lực du lịch hạn chế cả về đội ngũ làm công tác quản lý, xúc tiến du lịch và trực tiếp tham gia các hoạt động. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, chưa thỏa mãn được nhu cầu của du khách là tìm hiểu, tham quan, giải trí, vui chơi, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Trên địa bàn toàn tỉnh ngoài các khu, điểm du lịch do Nhà nước đầu tư như đã nêu trên, mới chỉ có một số khu vui chơi, giải trí quy mô nhỏ do tư nhân đầu tư nhưng cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ rất thấp; danh lam thắng cảnh còn thiếu các dịch vụ hỗ trợ. Bình Phước chưa có lễ hội quy mô cấp tỉnh và cấp quốc gia để thu hút du khách đến tham dự lễ hội kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch để giới thiệu, quảng bá đến công ty lữ hành và du khách chưa được quan tâm triển khai thực hiện. Sự kết nối của các thành phần trong hoạt động du lịch như: cơ quan quản lý, cơ quan xúc tiến, công ty lữ hành, khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú… chưa được triển khai thực hiện chặt chẽ và thường xuyên.
Để du lịch “cất cánh”
Để phát huy những lợi thế và khắc phục hạn chế nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kết luận số 384-KL/TU ngày 25-6-2022 về phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, đến năm 2025 đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động. Đến năm 2030 đón khoảng 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động. Để đạt được các mục tiêu này cần có sự đầu tư, kết nối, phát triển đồng bộ các thành tố cấu thành nên bức tranh du lịch của tỉnh với nhiều giải pháp khác nhau.
Trước hết, quy hoạch về du lịch Bình Phước phải có chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Tỉnh cần ban hành chính sách ưu đãi đặc thù đối với các dự án du lịch đã được xác định là những dự án trọng tâm. Đồng thời, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố cần cụ thể hóa nhiệm vụ và công việc của địa phương, đơn vị mình trong hoạt động du lịch chung của tỉnh. Tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư có chọn lọc để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của tỉnh.
Xây dựng nguồn nhân lực du lịch trong các cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ tỉnh đến huyện và trong các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý. Xây dựng đội ngũ trực tiếp làm công tác du lịch tại công ty lữ hành, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và cộng đồng dân cư.
Tuyến du lịch là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch của một địa phương. Bình Phước chưa có đường không, đường sắt và đường thủy mà chủ yếu là giao thông đường bộ với 3 tuyến chính gồm QL13, QL14 và ĐT741. Trên từng tuyến đều có các khu, điểm du lịch rất thuận lợi để phát triển sản phẩm phục vụ du khách. Vì vậy, tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch trên từng tuyến là giải pháp quan trọng để thu hút du khách.
Bình Phước có nhiều địa điểm để xây dựng thành các khu du lịch trọng điểm như: Núi Bà Rá, Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch. Tỉnh đã có những dự án đầu tư nhưng chỉ dừng lại ở việc xây dựng các công trình mà chưa xây dựng các mô hình hoạt động để hấp dẫn, thu hút và giữ chân du khách. Vì vậy, xây dựng và phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm làm hạt nhân và khuyến khích tư nhân đầu tư các khu, điểm du lịch vệ tinh tạo thành hệ thống các khu, điểm du lịch liên kết với nhau trên các tuyến du lịch là giải pháp cần sớm triển khai thực hiện.
Các công ty lữ hành giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức các chuyến du lịch để đưa du khách đến với Bình Phước. Bình Phước hiện có 7 công ty lữ hành hoạt động, chủ yếu là đưa khách du lịch trong tỉnh đi tham quan trong nước và quốc tế. Ngoài ra có khoảng 10 công ty lữ hành từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đưa khách tham quan tuyến ĐT741 đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Rất cần có giải pháp cụ thể để kết nối, phát triển, hỗ trợ các công ty lữ hành tăng cường đưa khách đến các khu, điểm du lịch tại Bình Phước.
Cần sớm thành lập hiệp hội du lịch với sự tham gia của các cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch, các công ty lữ hành, khu, điểm du lịch, lưu trú, trang trại, doanh nghiệp vận tải, dịch vụ ăn uống… để thường xuyên kết nối, trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động du lịch chung của tỉnh và trong từng lĩnh vực.
Lễ hội là một trong những hoạt động thu hút du khách đến với các địa phương. Bình Phước hiện có các lễ hội ở quy mô nhỏ cần nâng cấp và xây dựng thành các lễ hội quy mô cấp tỉnh và khu vực như: Lễ hội núi Bà Rá, lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Phước, lễ hội Phá bàu của người Khmer và lễ hội gắn với các ngành, nghề. Xây dựng và tổ chức các lễ hội quy mô cấp tỉnh, khu vực và quốc gia với những nét riêng có của văn hóa Bình Phước và tổ chức hằng năm tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước sẽ là lợi thế cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực, thu hút du khách gần xa đến tham gia lễ hội, tham quan và nghỉ dưỡng tại Bình Phước.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch không chỉ là các khu, điểm du lịch, tuyến du lịch, lữ hành và lưu trú mà còn liên quan đến văn hóa của các dân tộc, lễ hội, nghề truyền thống, tuyến giao thông, các ngành nông nghiệp, danh lam thắng cảnh thiên nhiên, các công trình nhân tạo, sản phẩm dịch vụ… Vì vậy, để phát triển du lịch, Bình Phước cần có sự đầu tư, kết nối, phát triển đồng bộ các thành tố cấu thành nên bức tranh du lịch của tỉnh. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế, chắc chắn du lịch Bình Phước sẽ “cất cánh” trong một ngày không xa.
Nguyễn Ngọc Lương