Được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII-XIII, Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) là công trình kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng độc đáo, là ngôi tháp thờ thần lớn nhất của người Chăm cổ ở Việt Nam. Ðây là địa điểm tham quan khá thú vị khi đến với Khánh Hoà.
Nhìn tổng thể, quần thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar được kết cấu gồm 3 tầng (toạ lạc tại một ngọn đồi); tầng chính (nằm trên cùng) đậm dấu ấn nhất với khu đền tháp, trải qua chiến tranh hiện còn 4 tháp. Tháp lớn nhất, đặc sắc nhất trong cụm tháp, thờ Bà Ponagar, gọi là Tháp Bà Ponagar (tên tháp cũng là tên gọi chung cho cụm di tích); các tháp còn lại thờ thần Shiva và các vị thần khác.
Tháp thờ Bà Ponagar có chiều cao 23 mét, thân và đỉnh tháp được trang trí cầu kỳ, tinh xảo theo lối kiến trúc đặc trưng của đền tháp Chăm với nhiều hoa văn, biểu tượng, hình tượng các vị thần, các loài vật…
Tháp chính (bên trái) thờ Nữ thần Ponagar, quy mô lớn nhất trong khu đền tháp (niên đại xây dựng được xác định nửa đầu thế kỷ XI), tháp có hình vuông, gồm đế, thân và mái. Phần trên mái có hình chóp nón, được trang trí, tinh xảo với nhiều hoạ tiết, phù điêu, hình các vị thần linh, các con vật... Ảnh: Loan Phương
Theo hướng dẫn viên nơi đây, linh hồn của cụm di tích chính là pho tượng Nữ thần Ponagar được thờ bên trong tháp. Tượng được tạc bằng đá hoa cương, với tư thế ngồi, có 10 cánh tay, thể hiện sức mạnh toàn năng. Ðối với người Chăm, Nữ thần Ponagar là người sinh ra dân tộc họ và tạo lập xứ sở, tạo dựng sự sống cho muôn loài; đồng thời luôn độ trì, che chở, ban phước lành cho họ nên được tôn thờ là mẹ và gọi chung là Mẹ xứ sở.
Ðiểm đặc biệt ở các toà tháp là được xây dựng chủ yếu bằng gạch nung, nhưng với sức tàn phá của thời gian cả ngàn năm qua mà vẫn trường tồn. Gạch vẫn giữ nguyên sắc hồng, không bị hư mục và thoát nước cực nhanh mỗi khi có mưa. Một câu hỏi đặt ra là, người Chăm xưa đã dùng chất liệu gì để kết dính các viên gạch lại với nhau, khiến các toà tháp trường tồn, chắc chắn đến như vậy? Ðã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, rất nhiều giả thuyết nhưng đến nay đây vẫn còn là điều bí ẩn.
Tại Tháp Bà Ponagar hiện có đội múa Chăm túc trực để trình diễn phục vụ du khách. Ảnh: Loan Phương
Không như phần lớn các quần thể tháp Chăm ở miền Trung giờ chỉ còn phế tích, Tháp Bà Ponagar vẫn duy trì hoạt động tín ngưỡng. Nơi đây, không chỉ là địa điểm thờ cúng tôn giáo của người Chăm, mà trong quá trình cộng cư, với nét tương đồng về tục thờ mẫu, người Việt đã sáng tạo ra truyền thuyết riêng về Thánh mẫu Thiên Y A Na để thờ cúng. Và đây cũng được cho là trung tâm thờ thánh mẫu lớn nhất miền Trung của người Việt (có vị trí quan trọng và linh thiêng như mẫu Liễu Hạnh ở miền Bắc và Bà Chúa Xứ khu vực phía Nam). Hiện, người ta gọi chung nơi này là Tháp Bà.
Hàng năm, từ ngày 20-23/3 âm lịch, tại Tháp Bà diễn ra lễ hội long trọng, lớn nhất trong năm với nhiều hoạt động văn hoá, tín ngưỡng. Dịp này, người Chăm, người Việt từ khắp nơi mang lễ vật đến thành tâm cúng bái bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và cầu nguyện sức khoẻ, làm ăn, bình an, hạnh phúc...
Linh hồn của khu di tích là tượng Bà Ponagar thờ trong tháp. Ðây được cho là kiệt tác điêu khắc của người Chăm cổ. Bố cục tượng có hình Linga đặt trên bệ hình Yoni (giới tính nam - nữ) mang đậm dấu ấn tính ngưỡng phồn thực, thể hiện ước vọng sinh sôi nảy nở của dân tộc Chăm. (Trong ảnh: Phiên bản tượng Bà Ponagar (tại phòng trưng bày của khu di tích) được phục chế theo tượng Bà Ponagar thờ trong tháp). Ảnh: Huyền Anh
Huyền Anh