Có dịp đến với thành phố Pakse, thủ phủ của tỉnh Champasak ở phía nam Lào, tôi không bỏ qua cơ hội nhờ người chủ homestay giúp chuẩn bị để sớm hôm sau tham gia một nghi lễ tôn giáo linh thiêng đã tồn tại qua nhiều thế kỷ: dâng lễ vật cho các nhà sư đi khất thực.
Đúng 5 giờ sáng, tôi và vài khách trọ khác được đánh thức, được hướng dẫn ra ngoài đường để đón đoàn chư tăng. Từ mờ sáng mà khá đông người dân địa phương và khách du lịch đã sẵn sàng, bởi đây là một nét văn hóa đặc trưng của Lào, thu hút mọi người từ những quốc gia khác tìm hiểu, trải nghiệm. Trong ánh sáng dần tỏ rạng của buổi bình minh, người dân cẩn thận trải chiếu trên vỉa hè, chuẩn bị đồ lễ gồm cơm nếp, bánh, nước lọc, trái cây. Hầu hết mọi người quàng một tấm vải thổ cẩm lớn chéo qua vai, gọi là “phạ-biêng”. Họ xếp hàng trong lặng lẽ, quỳ gối ngồi đợi. Những du khách như chúng tôi được dặn dò có thể ngồi trên ghế thấp quan sát và chụp ảnh, nhưng tuyệt đối không bật đèn flash, không bắt chuyện với các nhà sư.
Rất nhanh, khoảng 5 giờ 30 phút, một đoàn nhà sư mặc áo cà sa vàng, chân trần tỏa ra thành các nhóm nhỏ đi vào các khu phố. Họ bước im lặng, nhẹ nhàng nhận sự dâng cúng thực phẩm từ các Phật tử và đọc một đoạn kinh ngắn để chúc phúc. Ở Lào, Phật giáo nguyên thủy chiếm ưu thế và theo giáo lý thì khất thực giúp người tu hành đoạn trừ tham-sân-si, cũng như tạo phúc cho người bố thí. Vì thế Phật tử chỉ cúng bằng thức ăn đã nấu chín, với lượng chỉ vừa đủ một bữa ăn. Hòa vào dòng người, tôi cũng kính cẩn cúi đầu đặt đồ lễ của mình vào bát của nhà sư. Và dù không phải là một Phật tử, tôi cũng cảm nhận được khoảnh khắc kết nối khi tự tay dâng cúng như người dân địa phương. Sau khi hành lễ, phần xôi còn dư sẽ được đính lên hàng rào quanh nhà để chim chóc có cái ăn, một việc làm nhỏ nhưng rất nhân văn, thân thiện của người địa phương.
Tôi đã có một sáng khởi đầu thật tuyệt. Điều này tiếp thêm nhiều cảm hứng và năng lượng để ngày hôm đó tiếp tục khám phá thành phố xinh đẹp, yên bình ven sông này với các địa danh như quần thể đền cổ Wat Phou, ngắm tượng Phật vàng Wat Phousalou, đến cao nguyên Bolaven hay mua sắm ở chợ Pakse với vài món đồ lưu niệm ưng ý mang về.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh