Nguyễn triều Cửu đỉnh được xem là báu vật tượng trưng cho sức mạnh quyền lực, trường tồn, biểu trưng sự tôn nghiêm, sung túc, phồn vinh của đất nước Việt Nam đầu thế kỷ 19.
Đúc Cửu đỉnh là ý tưởng của vua Minh Mạng (1820 - 1840), vị vua thứ hai của triều Nguyễn nhằm lưu giữ cho dòng tộc muôn đời sau. Vua Minh Mạng trực tiếp chỉ giao cho Bộ Công khởi tạo vào mùa đông năm Ất Mùi (1835) và khánh thành vào mùa hạ năm Đinh Dậu (1837).
Quá trình đúc và hoàn thành Cửu đỉnh với đội thợ lành nghề lên đến hàng trăm người, làm việc liên tục hơn hai năm. Tổng trọng lượng khi hoàn thành gồm kim loại đồng, chì, kẽm là 22.473 kg. Đại lễ khánh thành diễn ra ngày 1/3/1837 (tức ngày Quý Mão tháng Giêng năm Đinh Dậu), Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Miếu, sát với Hiển Lâm các, riêng Cao đỉnh là Thụy hiệu vua Gia Long được đặt phía trước 3 m so với 8 đỉnh còn lại với hàm ý vua Gia Long sáng lập ra vương triều.
Cửu đỉnh trước Thế Miếu. Ảnh tư liệu
Các hình chạm nổi được sắp xếp và trang trí chặt chẽ, là hình ảnh giang sơn gấm vóc con người Việt Nam được đưa vào trong 153 họa tiết ở Cửu đỉnh. Phần thân đỉnh có diện tích rộng là cấu phần quan trọng nhất trang trí vũ trụ các tinh cầu Thuần Vĩ, Thiên Ngưu, Tu Nữ cùng với các biểu tượng thiên nhiên thần bí. Ở hai bên là hình các núi cao hùng vĩ, đối lại bên kia là biển cả mênh mông hay các con sông lớn ở Việt Nam. Ở phía trên, phía dưới là hình ảnh của các cây to quý, tổ yến, cây ăn quả lưu niên, những con chim đẹp quý hiếm, cây lương thực, ngũ cốc, hoa trái…
Cửu đỉnh là biểu tượng trường tồn của nhà Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam thống nhất thông qua các hình ảnh chạm khắc trên đó. Trong chỉ dụ của vua trước khi chuyển về cho Nội các và Bộ Công thực hiện ghi rõ: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là ý người xưa vẽ hình mọi vật”.
Mỗi đỉnh là Thụy hiệu của mỗi vua được thờ trong Thế Miếu: Cao đỉnh (Thế tổ Cao hoàng đế - Gia Long); Nhân đỉnh (Thánh tổ Nhân hoàng đế - Minh Mạng); Chương đỉnh (Hiến tổ Chương hoàng đế - Thiệu Trị); Anh đỉnh (Dực Anh tôn hoàng đế - Tự Đức); Nghị đỉnh (Giản tôn Nghị hoàng đế - Kiến Phúc); Thuần đỉnh (Cảnh tôn Thuần hoàng đế - Đồng Khánh); Tuyên đỉnh (Thừa liệt Tuyên hoàng đế - Khải Định); Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không là Thụy hiệu của vua nào cả do các vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị Tôn Thất Thuyết phế truất và giết chết, vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân chống Pháp bị phế truất và lưu đày viễn xứ, vua Bảo Đại thoái vị.
Cửu đỉnh – Nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu
Cửu đỉnh gắn liền với con số 9, một con số đặc biệt theo quan niệm của người phương Đông. Theo trật tự ấy vua Minh Mạng chọn lọc và cho khắc họa 9 bức tranh mỗi loại. Chín vì tinh tú và vận hành của thiên nhiên gồm: nhật, nguyệt, phong, vân, vũ, lôi, ngũ tinh, bắc đẩu, nam đẩu. Chín ngọn núi lớn: Tản Viên Sơn (Hà Nội), Thiên Tôn Sơn (Thanh Hóa), Hồng Lĩnh Sơn (Hà Tĩnh), Hoành Sơn (Quảng Bình), Duệ Sơn, Ngự Bình Sơn, Thương Sơn, Hải Vân Quan (Thừa Thiên), Đại Lĩnh (Phú Yên). Chín con sông lớn: Bạch Đằng Giang (Quảng Ninh), Lô Giang (Tuyên Quang), Hồng Hà (Hà Nội), Lỗi Giang (Sông Mã – Thanh Hóa), Thanh Long Giang (Sông Lam - Nghệ An), Linh Giang (Quảng Bình), Thạch Hãn (Quảng Trị), Hương Giang (Thừa Thiên), Bến Nghé (Sài Gòn). Chín con sông đào; chín loài chim quý; chín loại rau củ; chín loài hoa; chín loài cây thân gỗ; chín loại vũ khí…
Tất cả các bức họa trên Cửu đỉnh như một bộ dư địa chí, bách khoa thư của đất nước Việt Nam đầu thế kỷ 19.
Võ Hữu Lộc