Trên khắp xứ Quảng còn sót lại nhiều loại hình giếng Chăm, nhiều giếng có niên đại hàng trăm năm. Song công tác bảo tồn, trùng tu giếng Chăm đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ…
Giếng Vuông làng Song Bình, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Ảnh: H.Liên
Chưa được quan tâm đúng mức
Cho tới nay, vẫn chưa có khảo sát đầy đủ về số lượng giếng cổ, giếng Chăm còn sót lại trên khắp xứ Quảng làm cơ sở cho công tác xếp hạng, bảo tồn, trùng tu di tích có giá trị, phổ biến trong cộng đồng.
Chỉ duy tại Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An đã từng triển khai công tác thu thập thông tin về hơn 80 chiếc giếng cổ phục vụ cho công tác bảo tồn di sản.
Theo trung tâm này, hầu hết giếng cổ Hội An tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông Đế Võng (thuộc xã Cẩm Thanh, phường Thanh Hà), số còn lại nằm rải rác ở nhiều nơi, trong đó có Cù Lao Chàm.
Tại các địa phương khác, rải rác còn sót lại nhiều giếng Chăm. Giếng Chăm làng Phong Hồ (Điện Bàn) có cấu trúc hình tròn, từ đá nguyên khối, được dân làng xem là tài sản quý. Giếng này không những phục vụ cho người dân Điện Nam mà còn cung cấp nguồn nước mát lành cho dân các làng phụ cận. Song giếng Chăm làng Phong Hồ cũng chưa được đưa vào danh mục di tích cần bảo tồn.
Tại xã Điện Trung (Điện Bàn), giếng Chăm tại xóm Hòa Bình, làng Đông Bàn cũ (nay là thôn Tân Bình 3, xã Điện Trung) được xem là mạch sống của làng. Giếng nước sâu hơn 4,5m, phần chìm dưới mặt đất được khép đá hình cung thành giếng tròn, phần từ mặt đất trở lên thành giếng được ghép 4 miếng đá vào 4 cây trụ đá (còn gọi là giếng bốn trụ), có hai bờ thành đối xứng rộng 2,1m và hai thành đối xứng rộng 2,19m.
Di tích trên đến nay vẫn được dân làng gìn giữ, bảo lưu nguyên trạng. Vào lễ kỳ yên, làng Đông Bàn có tục lệ rước nước giếng làng về cúng Thành hoàng và tổ tiên bách tánh...
Tại vùng Ngũ xã Trà Kiệu (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), theo ông Nguyễn Trường Lắm (trú xã Duy Sơn), nơi đây từng có 2 giếng cổ, một giếng có niên đại hàng trăm năm và một giếng Chăm đã bị lấp. Vùng Đại Lộc cũng có rải rác giếng Chăm như giếng Vuông làng Song Bình (xã Đại Quang) hiện được dân làng bảo vệ và một số giếng Chăm nằm rải rác ở nhiều xã.
Cần khảo sát, bảo tồn
TS.Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam) từng cho rằng, có thể chia hệ thống giếng Chăm làm 3 loại: giếng đóng, giếng mở và giếng nửa mở. Giếng đóng (giếng đào) phổ biến nhất, thường nằm trong khu dân cư. Nền giếng được lát gạch hay đá, thành giếng được xây bằng đá ong suốt từ trên xuống dưới hay được xây nửa gạch nửa đá. Đặc biệt, ở dưới đáy luôn luôn có một cái khung bằng gỗ lim, cao chừng 30 - 40cm.
Giếng mở là giếng có nguồn nước cung cấp từ mạch ngầm ở chân sườn đồi, núi thấp hoặc cồn cát chảy ra, được kè lại bằng đá hoặc gỗ tạo thành giếng. Nước chảy thường xuyên quanh năm, là nguồn nước sạch với chất lượng tốt thường chỉ dùng cho ăn uống.
Còn giếng nửa mở (giếng bộng) có nguồn nước từ những mạch ngầm ở chân những cồn cát hoặc đồng ruộng. Nước phun lên từ một mạch ngầm, người ta lấy một tấm đá lớn hoặc một thân cây cổ thụ để giữ nước. Miếng đá được đục một cái lỗ lớn, thân cây được khoét rỗng ruột, nước chảy dâng lên và thoát ra từ lỗ đã khoét, hứng nước ở đó về dùng.
Ông Tôn Thất Hướng - nguyên Trưởng phòng Di sản (Sở VH-TT&DL Quảng Nam), hội viên Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng chia sẻ, nhiều giếng Chăm nằm rải rác ở xứ Quảng, chủ yếu do cộng đồng bảo tồn, gìn giữ. Ở làng nào nhân dân có ý thức gìn giữ di tích khá tốt thì giếng Chăm được bảo vệ tốt, và ngược lại.
Riêng giếng Chăm ở Cù Lao Chàm và Hội An được bảo tồn tương đối tốt. Cho tới nay, Quảng Nam chưa có một dự án, một nghiên cứu toàn diện, cụ thể về hệ thống giếng Chăm. Các địa phương cũng chưa có động thái tích cực kiến nghị lên cấp có thẩm quyền về phương án bảo tồn giếng Chăm.
Vẫn chưa có một khảo sát, nghiên cứu đầy đủ về toàn bộ giếng Chăm để đưa vào danh mục xếp hạng di tích. Lâu nay, các huyện không làm việc này, dẫn đến nhiều giếng Chăm bị hư hại, phá hoại, biến dạng và không còn giữ được giá trị nguyên bản, có nhiều nơi giếng hư hại, bỏ hoang, nằm sát đồng ruộng, nằm cạnh công trình dân sinh, khu dân cư bị hư hại nhiều.
“Trách nhiệm của những nhà thực hiện Luật Di sản là phải nghiên cứu kỹ, chọn những giếng có giá trị tốt nhất để khoanh vùng, định vị trên bản đồ di sản, từ đó có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích Chăm. Cần thống kê, có nghiên cứu, đo vẽ chính xác, đưa vào hệ thống dữ liệu để bảo quản. Nên giao cho làng có ý thức bảo vệ; có cơ chế, chính sách tu bổ di tích, làm sao để người dân không can thiệp vào quá trình tu bổ, làm biến dạng di tích” - ông Hướng nhìn nhận.
Ông Hướng chia sẻ thêm, tỉnh Quảng Trị đang có cách làm hay trong bảo tồn giếng Chăm. Tỉnh này có dự án, đề án khảo sát, bảo tồn giếng Chăm cổ, mời các chuyên gia Hà Nội về nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn.
Hoàng Liên