Quảng Nam: Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng Tam Thanh
Cập nhật: 11/08/2023
TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa phối hợp với UN-Habitat và Học viện AMC tổ chức hội thảo công bố dự án thí điểm kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế du lịch nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh.

Xã Tam Thanh được chọn thực hiện thí điểm dự án. Ảnh: X.P

Cơ hội cho Tam Thanh

Thời gian qua, TP. Tam Kỳ đã nhận được sự hỗ trợ khá tích cực của Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) thông qua các dự án đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm các giải pháp đô thị sáng tạo, bền vững có sự tham gia của người dân.

Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (dự án ISCB) do UN-Habitat triển khai dưới sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ trong giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án này triển khai tại 3 thành phố Tam Kỳ, Bến Tre, Vũng Tàu, được thiết kế với 3 hợp phần, gồm tăng cường thể chế và nâng cao năng lực, chính sách và luật pháp, dự án thí điểm.

Tam Kỳ đang phấn đấu xây dựng đô thị loại 1 vào năm 2030 với những lộ trình, kế hoạch đầu tư cụ thể bám sát với định hướng phát triển đô thị sinh thái, đặc thù, với nền tảng xanh - văn hóa lịch sử - thông minh.

Trong đó, xã ven biển Tam Thanh thời gian qua được nhắc đến rất nhiều gắn liền với dấu ấn không gian nghệ thuật cộng đồng, làng bích họa, con đường thuyền thúng được công nhận dài nhất Việt Nam, cùng các hoạt động trải nghiệm trên sông, mô hình lưu trú tại nhà, du lịch cộng đồng…

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Nguyễn Minh Nam cho biết, với mục tiêu thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng tích hợp, tháng 6/2022, Ban Quản lý dự án ISCB đã có các cuộc họp với UBND tỉnh và TP. Tam Kỳ để chuẩn bị các bước triển khai dự án thí điểm “Kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - du lịch - nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh”.

Ông Nam nói: “Với lựa chọn là nơi triển khai dự án thí điểm, Tam Thanh sẽ có được kế hoạch chiến lược phát triển toàn diện, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, góp phần phát triển những sản phẩm du lịch trọng điểm, các loại hình thương mại dịch vụ mang đặc tính riêng nhằm đưa Tam Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn và độc đáo”.

Nâng tầm phát triển

Cũng theo ông Nam, trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, để đảm bảo phù hợp với thực tế, có đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tại địa phương, sẽ tiếp tục cải tạo, mở rộng làng bích họa, đầu tư hạ tầng, hình thành các công trình nghệ thuật, trung tâm sáng tạo, trình diễn; không gian sinh hoạt đêm; các hoạt động trải nghiệm trên sông và trên biển.

Đồng thời duy trì và phát triển thêm mô hình lưu trú tại nhà (homestay), mô hình du lịch cộng đồng, đường hoa, dịch vụ ven biển, xây dựng văn hóa văn minh du lịch, cảnh quan vệ sinh môi trường gắn với phong trào “nhà sạch, vườn đẹp, làng không rác”.

Thương hiệu giá trị nghệ thuật cộng đồng bích họa Tam Thanh đã được quốc tế công nhận. Khung pháp lý định vị vai trò của Tam Thanh đã được xác định. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phát triển cộng đồng bích họa với vai trò là một yếu tố động lực và giải quyết được các thách thức về kinh tế và môi trường.

Theo các chuyên gia của dự án, thách thức nâng tầm phát triển của Tam Thanh là dịch vụ chưa nhiều, chưa đa dạng, phân khúc thị trường khách; nghệ thuật cộng đồng chưa trở thành trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn với du khách.

Từ đó, kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - du lịch - nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh sẽ tập trung vào 3 nội dung chính, gồm không gian cảnh quan nghệ thuật, kế hoạch giao thông chậm và cộng đồng không rác thải nhựa.

Theo bà Naomi Hoogervorst - Quản lý chương trình, điều phối dự án ISCB ở Văn phòng Trung ương UN-Habitat, mục tiêu tổng thể của dự án là tăng cường năng lực giúp các cơ quan bộ, ngành và địa phương phát triển và thực hiện chính sách đô thị, cùng với các giải pháp sáng tạo và có sự tham gia của người dân để giúp công tác quy hoạch và quản lý đô thị ở các thành phố của Việt Nam hiệu quả hơn.

“Trong quá trình triển khai dự án thí điểm tại xã Tam Thanh, sẽ áp dụng những công cụ và phương pháp luận để hỗ trợ tốt nhất cho chính quyền và người dân thành phố, khối tư nhân và các tổ chức hiệp hội để hình thành mạng lưới hợp tác, điều phối vì một đô thị Tam Kỳ quy hoạch tốt, quản lý tốt, điều phối nguồn lực và đầu tư hiệu quả, đảm bảo không ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau” - bà Naomi chia sẻ.

Xuân Phú

Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 11/8/2023