Ðiện ảnh kết hợp du lịch đang là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn để giới thiệu, quảng bá văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Thái Lan được xem là một trong số những quốc gia tiên phong xu hướng này tại Ðông Nam Á.
Chính phủ Thái Lan thông tin, trong 7 tháng đầu năm 2023, nước này đã đón hơn 15 triệu khách nước ngoài. Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách quốc tế chính là sử dụng những chiến lược quảng bá hiệu quả của Tổng cục Du lịch Thái Lan, đó là Soft Power. Soft Power được gọi là sức mạnh mềm 5F, gồm: Food (ẩm thực), Film (phim ảnh), Festival (lễ hội), Fight (nghệ thuật võ thuật) và Fashion (thời trang). Trong đó, phim ảnh đang được xem là yếu tố có tính lan tỏa mạnh và tạo sức hút lâu dài.
Thực tế, Thái Lan được nhìn nhận là địa điểm quay phim lý tưởng, phù hợp với mọi thể loại phim của quốc tế. Do đó, quốc gia này đã sớm đầu tư cho ngành công nghiệp liên kết giữa hai lĩnh vực: phim ảnh và du lịch. Cụ thể tính từ năm 2016 đến nay đã có khoảng 740 phim nước ngoài được quay ở Thái Lan, mang về cho quốc gia này 4,86 tỉ baht (tương đương khoảng 137,7 triệu USD). Theo Văn phòng Ðiện ảnh Thái Lan (TFO), có tới 246 phim từ 32 quốc gia đã sử dụng Thái Lan làm điểm quay phim trong nửa đầu năm 2023, tạo khoản thu 1,84 tỉ baht (gần 52 triệu USD). Trong đó các quốc gia có nhiều phim quay tại đây, như: Mỹ với 14 dự án, Trung Quốc với 17 dự án, Anh có 19 dự án, Ðức có 11 dự án… Bà Tipanan Sirichana, Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, cho biết sở dĩ các quốc gia lựa chọn Thái Lan làm điểm quay phim vì nhiều năm qua chính phủ Thái Lan luôn tạo ra nhiều chính sách quảng bá, thu hút đầu tư dành cho đoàn làm phim nước ngoài. Trong 10 năm qua, chính phủ Thái Lan đã đưa ra hàng loạt các ưu đãi về thuế, quy trình cấp thị thực và giấy phép quay phim khá nhanh chóng… Bên cạnh đó, địa phương cũng không ngừng hỗ trợ các các sự kiện và liên hoan phim để tạo sự kết nối giữa các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Các chính sách của Thái Lan có thể là ưu đãi rất tốt cho các nhà làm phim quốc tế. Cụ thể, kể từ tháng 2-2023, chính phủ Thái Lan đã thông qua đề xuất tăng tiền hoàn trả cho các nhà sản xuất phim sử dụng Thái Lan làm địa điểm quay phim từ 15-20% lên đến 20-30% trong 2 năm. Ngoài ra, mức trần hoàn trả tiền mặt cho mỗi phim cũng được nâng lên 150 triệu baht, gấp đôi so với trước đây (chỉ 75 triệu baht).
Bên cạnh việc thu hút các nhà làm phim quốc tế, Thái Lan xây dựng nhiều phim trường quy mô để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà làm phim. Thực tế, tại Thái Lan có nhiều địa điểm quay phim độc đáo, cảnh quan đa dạng, từ rừng nhiệt đới, biển hoang sơ đến những ngôi đền cổ, các tòa nhà cao tầng hiện đại… Tất cả tạo nên bối cảnh đa dạng để có thể sản xuất nhiều thể loại phim, từ cổ trang, lịch sử, thám hiểm đến hành động, hiện đại. Có thể thấy, tại Thái Lan có nhiều phim trường, địa điểm quay nổi tiếng, từng xuất hiện trong hàng chục phim quốc tế, như: Bangkok, Phuket, Koh Phi Phi Leh, phim trường Standard Bangkok, phim trường Prommitr (ảnh)…
Ngoài cơ sở hạ tầng tốt, nhiều chính sách ưu đãi, Thái Lan còn được đánh giá là nơi có chi phí sản xuất thấp nên thu hút nhiều đoàn phim quốc tế. Tại đây, chi phí thuê nhân công thấp, tỷ giá hối đoái thuận lợi, các chi phí sinh hoạt cho đoàn phim cũng rẻ. Ðiều này giúp đoàn phim tiết kiệm rất nhiều kinh phí cho quá trình sản xuất phim. Những khoản tiết kiệm này cho phép các nhà làm phim dành ngân sách đầu tư vào khâu hậu kỳ để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất.
Ông Chattan Kunjara Na Ayudhya, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết: "Chúng tôi muốn thu hút khách du lịch đến với Thái Lan sau những phim mà họ theo dõi". Vì thế, Thái Lan đang đầu tư và tạo ra nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư phim ảnh, thông qua đó để thúc đẩy phát triển du lịch.
Bảo Lam (Tổng hợp từ Bangkok Post, Variety)