Lào Cai là một trong những vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước với khoảng 850 loài cây thuốc, 78 loài có tiềm năng khai thác, 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn… Với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lào Cai hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược liệu góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.
Quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã rất chú trọng phát triển sản xuất cây dược liệu. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù…) từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung, gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật.
Hiện, Lào Cai có 210 ha (13 loại) cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực. Việc sơ chế, chế biến bước đầu được chú trọng đầu tư, có 01 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp của Công ty TNHH MTV Traphaco SaPa và nhiều cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Cây dược liệu được trồng nhiều ở Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát (Lào Cai) với nhiều loài quý. Ảnh: nongnghiep.vn
Trên cơ sở hiện trạng trồng, phân bố về trữ lượng dược liệu tự nhiên, tỉnh Lào Cai quy hoạch phát triển từng loại dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm như: Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà… Đồng thời, tăng cường bảo tồn tại chỗ các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn; xây dựng vườn giống các loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao…
Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng các cơ sở ươm và nhân giống cây dược liệu tại một số khu vực trồng dược liệu tập trung, đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống (nuôi cấy mô tế bào, ứng dụng CNC…) để đảm bảo nhân nhanh các giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Đối với các loại cây dược liệu sản xuất hạt giống và gieo thẳng từ hạt như: Atiso, đương quy, bạch chỉ, bạch truật, tục đoạn... tổ chức sản xuất hạt giống tập trung tại vùng sản xuất như: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Đối với các loại cây cần phải gieo, ươm hoặc giâm hom cây con trước khi trồng (tam thất, hồi, chè dây, đỗ trọng, hoàng bá, hà thủ ô đỏ...) căn cứ nhu cầu hàng năm tổ chức ươm, giâm hom giống để cung ứng cây giống cho sản xuất đại trà.
Đối với nhóm cây dược liệu quý, hiếm, tỉnh Lào Cai đang đầu tư xây dựng nhà công nghệ để sản xuất cây giống (nuôi cấy mô) cung ứng theo nhu cầu đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2025, ổn định và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô trên 4.000 ha. Trong đó, đối với cây dược liệu lâu năm, dược liệu dưới tán rừng, tập trung phát triển ổn định diện tích 2.500 ha với các chủng loại cây dược liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ như chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thất diệp nhất chi mai, hà thủ ô, đỗ trọng, hoàng bá, bình vôi….
Ngoài ra, đối với cây dược liệu hàng năm phục vụ sản xuất hàng hóa, tiếp tục duy trì, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích hiện có, tập trung mở rộng nâng tổng diện tích đạt 1.500 ha với một số chủng loại chính như atiso, cát cánh, xuyên khung, chùa dù, cây thuốc tắm người Dao đỏ, mạch môn, vân mộc hương, bạch truật, đan sâm, đẳng sâm… Đến năm 2030, tiếp tục duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Phát triển công nghiệp dược liệu
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược liệu, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 triển khai thực hiện 8 giải pháp chính trong giai đoạn này gồm: giải pháp về chính sách, pháp luật; giải pháp thông tin, truyền thông; giải pháp về đất đai; giải pháp về tổ chức sản xuất, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về xây dựng phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch và Chương trình OCOP của tỉnh; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về nguồn vốn.
Trong đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây dược liệu. Thành lập các tổ nhóm, hợp tác xã sản xuất dược liệu để tập trung đất hình thành các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng cao, nhà xưởng, kho bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu và lợi thế ở địa phương và nhập nội nguồn gen, giống cây dược liệu tiên tiến. Cùng đó, hướng dẫn các vùng sản xuất áp dụng các quy trình tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong nghiên cứu giống cây dược liệu; tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật; sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.
Tỉnh cũng phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP từ dược liệu dựa trên các lợi thế so sánh cơ bản, điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi. Khai thác và phát triển, gắn các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế kết hợp dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược phù hợp với các tiêu chí của Chương trình OCOP và có thể xuất khẩu tại chỗ thông qua việc du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại Lào Cai. Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, xuất nhập khẩu trái phép dược liệu qua biên giới; kiểm soát dược liệu nhập lậu bán tự do tại các chợ địa phương.
Hồng Ninh