Với mục tiêu phát triển du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nhằm tạo đà đưa DL tăng tốc. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, đa dạng và tạo sức hấp dẫn từ các sản phẩm DL để xây dựng thương hiệu DL độc đáo riêng có nơi địa đầu Tổ quốc.
Hấp dẫn sản phẩm du lịch
Các nông sản tiêu biểu huyện Quang Bình được trưng bày, tiêu thụ tại thành phố Hà Giang.
Nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế, ngày 02/8/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển DL Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 để tạo đà thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Trước bối cảnh tác động của dịch Covid-19, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh linh hoạt triển khai các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển DL một cách hiệu quả; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống sản phẩm DL có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, khắc phục tính mùa vụ.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 90 điểm DL đang hoạt động, trong đó có 16 điểm đã được công nhận và 84 điểm chưa được công nhận theo 4 loại hình chính gồm: 29 điểm DL văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; 36 điểm DL cộng đồng, làng nghề; 17 điểm DL tâm linh; 8 điểm DL sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Hiện, tỉnh và các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư cho 40 làng văn hóa tiêu biểu theo chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; các làng văn hóa được công nhận “Làng văn hóa DL tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” và 16 làng thuộc Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa DL cộng đồng. Mặt khác, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 200 triệu đồng/1 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận lần đầu; qua đó, thu hút lượng khách DL đáng kể, huy động sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ và đảm bảo các lợi ích từ DL, đóng góp vào phát triển KT – XH địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ DL (Homestay) trung bình đạt từ 70 - 90 triệu đồng/năm; có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Hồng Hải cho biết: Hiện toàn tỉnh có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng; trong đó, 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh và 22 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 15 lễ hội được đưa vào đề án, kế hoạch tổ chức định kỳ. Các di tích được đầu tư tôn tạo, phát huy hiệu quả khai thác DL. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị đối với các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa, phi vật thể quốc gia được quan tâm khai thác; phát huy tốt hiệu quả quảng bá thông qua các sự kiện thường niên tạo ra điểm nhấn, sản phẩm DL trải nghiệm.
Một trong những hướng đi mới trong hoạt động DL của tỉnh hiện nay đó là khai thác sản phẩm DL sinh thái nông nghiệp, gắn trải nghiệm các làng văn hóa DL cộng đồng với các hoạt động tham quan trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu, đặc sản địa phương. Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị. Tận dụng lợi thế về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên để khai thác danh thắng, cảnh quan tự nhiên, hệ thống hang động, sông, suối, thác, hồ, hình thành nên các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách DL và người dân. Xây dựng các tuyến đi bộ phục vụ phát triển DL sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Gắn kết khai thác trong các chương trình DL một số sản phẩm DL địa chất tiêu biểu trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; khảo sát xây dựng các sản phẩm DL mới...
Nâng tầm ngành “công nghiệp không khói”
Nhắc đến Hà Giang, vùng đất không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ; con người thân thiện, giàu bản sắc văn hóa, mà nơi đây có nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao để lại ấn tượng trong lòng khách DL; trong đó, có 4 món ăn đặc sản được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: Cháo ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp; 4 món lọt top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam: Mật ong Bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ. Các sản phẩm hàng hóa lưu niệm được quan tâm đầu tư sản xuất dần chuyên nghiệp, có chỉ dẫn địa lý. Anh Bùi Trọng Quang, du khách đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Lần đầu đến với Hà Giang thực sự khiến tôi ngỡ ngàng bởi cảnh sắc thiên nhiên quá choáng ngợp. Được bạn bè dẫn đi tham quan các điểm du lịch, được thưởng thức các món ăn đặc sản khiến tôi rất ấn tượng. Hà Giang sẽ là điểm đến hấp dẫn để tôi giới thiệu đến bạn bè, người thân”.
Nhìn vào thực tế, tỉnh ta có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao phục vụ DL, 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và 201 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đạt sao; nhưng hoạt động DL gắn với thương mại và mua sắm hiện chỉ tập trung vào một số sản phẩm thủ công truyền thống, hàng lưu niệm, quà tặng DL, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh phục vụ DL như: Thổ cẩm vải lanh, chạm bạc, đan lát, cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, thịt bò khô, dược liệu. Việc phát triển chợ đêm gắn với phố đi bộ hiện chưa có điểm được quy hoạch cụ thể và tổ chức chuyên nghiệp, chỉ có một số mô hình khai thác kết hợp và tự phát như phố cổ Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc. Nguồn lực đầu tư cho phát triển DL hạn hẹp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; các quy hoạch chi tiết, cơ chế chính sách hỗ trợ chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư. Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu khách DL hạng sang và những ngày cao điểm mùa lễ hội…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chia sẻ: Tỉnh đặt quyết tâm trở thành địa bàn trọng điểm DL của các tỉnh khu vực miền núi Trung du - Bắc bộ; phấn đấu đến năm 2025, DL trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 1 khu DL cấp tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách DL, tổng thu từ DL ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị DL vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp. Hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh tập trung mục tiêu phát triển DL nhanh, bền vững trên cơ sở thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển sản phẩm DL của tỉnh. Triển khai đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt; đổi mới hình thức hoạt động xúc tiến, quảng bá DL, thương mại thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Tham gia các hoạt động hợp tác liên kết phát triển DL trong nước, quốc tế.
Với việc tập trung khảo sát và xây dựng các sản phẩm DL mới phù hợp với lợi thế khai thác của tỉnh như: DL thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng cao cấp. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển DL có khả thi, nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng DL. Ưu tiên bố trí quỹ đất và không gian cho các dự án đầu tư DL có quy mô, trọng điểm, nhằm tạo động lực phát triển KT – XH khu vực. Tạo cơ chế cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư dự án, hạ tầng kinh doanh DL; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL... tin rằng ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống người dân nơi vùng đất biên cương.
Bài, ảnh: Kim Tiến