Lễ hội truyền thống đền Lảnh Giang.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, năm 1996, đền Lảnh Giang được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Từ bao đời nay lễ hội đền Lảnh Giang được nhân dân địa phương tổ chức quy mô vào hai kỳ trong năm: kỳ thứ nhất từ ngày 18 đến 25 tháng Sáu (âm lịch), kỳ thứ hai từ ngày 18 đến 25 tháng Tám (âm lịch).
Lễ hội nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công đức của Tam vị Đại vương đã giúp dân, giúp nước đánh tan giặc Thục, giữ yên bờ cõi Văn Lang. Thời điểm diễn ra lễ hội tháng Sáu và tháng Tám là thời kỳ cao điểm của con nước sông Hồng đe dọa ngập lụt, mất mùa nên nhân dân tổ chức lễ hội để cầu mong thủy thần giúp cho nhân dân có mùa màng bội thu, no đủ. Vì thế đến ngày nay, lễ hội vẫn được gìn giữ với những giá trị mang dấu ấn văn hóa của cư dân trồng lúa nước bằng nhiều nghi lễ như lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ tế, hội bơi chải... Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị thủy thần được thờ tại đền Lảnh Giang đã được hội nhập vào hệ thống thần điện của tín ngưỡng này, đó là Quan lớn Đệ Tam. Chính điều này đã làm nên nét đặc sắc riêng có của lễ hội đền Lảnh Giang.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, từ năm 2007, Lễ hội truyền thống đền Lảnh Giang được địa phương khôi phục kết hợp giữa dân gian và đương đại. Lễ hội gồm phần lễ với các nghi thức: lễ cáo yết, lễ rước nước từ sông Hồng vào đền theo tục thờ thủy thần, lễ rước kiệu và khai mạc lễ hội. Phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian như: bắt vịt, đánh gậy, đi cầu khỉ, kéo co…
Sau hơn 10 năm khôi phục Lễ hội truyền thống đền Lảnh Giang, đến nay việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc thực hành các nghi lễ được giao cho các vị cao niên trong làng được nhân dân tín nhiệm bầu ra và thủ nhang đền Lảnh Giang đảm trách bảo đảm được sự trang nghiêm và đúng các nghi lễ truyền thống.
Đội hình đoàn rước do người dân thôn Yên Lạc đảm trách gồm có: đội múa rồng, lân, cờ hội, trống sấm, kiệu cổ, đội lễ vật; kiệu song hành; kiệu Mẫu; kiệu long đình, kiệu bát cống: bát bửu; đội tế nam. Đoàn đội lễ vật còn có sự tham gia của người dân các thôn trong xã và các đội tế nữ của các xã lân cận... Những lễ vật phẩm dâng lên các vị thần linh là những sản vật tinh túy nhất từ nền sản xuất nông nghiệp được người dân chọn lựa kỹ càng. Ngũ quả biểu trưng cho ngũ hành Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, bánh chưng, bánh dày biểu trưng cho trời (dương) và đất (âm)…
Đền Lảnh Giang là một trong ba trung tâm thực hành tín ngưỡng Nghi lễ Chầu văn của tỉnh Hà Nam. Chính vì vậy, công tác đào tạo truyền dạy và thực hành nghi lễ luôn được chính quyền và Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy di sản Chầu văn tỉnh (thủ nhang đền Lảnh Giang) rất quan tâm, tổ chức nhiều lớp tập huấn truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp.
Lễ hội đền Lảnh Giang là lễ hội tiêu biểu mang bản sắc văn hóa của người Việt vùng hạ châu thổ sông Hồng, là sự tích hợp các lớp văn hóa trong diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam và là nơi bảo tồn, phát huy giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá của người dân. Lễ hội hằng năm được tổ chức nền nếp, quy mô trong không khí linh thiêng, trang trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.