Nhiều năm trước đây, thành phố biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa đã làm du lịch, nhưng đúng như nhiều du khách nhận xét: Sầm Sơn làm du lịch theo kiểu “mì ăn liền”, chỉ vẻn vẹn có ba tháng hè, sau đó là sự im lìm vắng lặng cả năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình đã hoàn toàn đổi khác…
Đa số du khách đến Sầm Sơn những năm gần đây đều có chung nhận xét: Du lịch Sầm Sơn hiện nay đã trở nên rất cuốn hút, với các dịch vụ khá chuyên nghiệp và cơ sở vật chất ngày càng được nâng cao, cả về khía cạnh văn hóa, văn minh. Cạnh đó, du khách cũng cảm nhận được thái độ ân cần, niềm nở và thân thiện của người dân nơi đây, chứng tỏ cách nhận thức mới về làm du lịch của một Sầm Sơn đã khác xa với “thời xưa”…
Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển của thành phố du lịch Sầm Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Nhận thức được những tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch của tỉnh, những năm qua, Thanh Hóa đã có những chủ trương, giải pháp tích cực, chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân đẩy mạnh phát triển du lịch. Do đó, với những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, thành phố du lịch Sầm Sơn đang ngày càng phát triển hiện đại, thân thiện, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng ngày càng đông đảo hơn.
Theo lãnh đạo thành phố Sầm Sơn, để ngành du lịch của thành phố phát triển đồng bộ và mạnh mẽ, cả hệ thống chính quyền, các doanh nghiệp và người dân làm du lịch của thành phố phải có tư duy mới, phù hợp, trong đó chú trọng chuyển đổi từ tiến hành làm dịch vụ du lịch theo cách thức truyền thống sang du lịch hiện đại; xây dựng thành công môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa. Đẩy mạnh phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, xây dựng được hệ thống du lịch đồng bộ trong cả tỉnh, nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của từng địa phương và tất cả các vùng miền trong tỉnh.
Thành phố Sầm Sơn được xây dựng ngày càng khang trang
Để đạt được kết quả cao trong phát triển du lịch, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố Sầm Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, khách quan và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và người dân thành phố tập trung mọi nguồn lực tốt nhất, xây dựng và phát triển những dịch vụ, sản phẩm du lịch có tính đặc trưng của địa phương với chất lượng cao, thu hút và tạo ấn tượng tốt đối với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, tư duy mới cho đội ngũ những người làm du lịch của địa phương, với tôn chỉ “Hài lòng cho du khách đến với Sầm Sơn”. Từ đó đã làm cho ngành du lịch địa phương ngày càng có chuyển biến tích cực. Du khách đến với Sầm Sơn luôn phát triển mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã đón được 5,3 triệu lượt khách (tăng 19,7% so với cùng kỳ, đạt 73% so với kế hoạch đề ra), doanh thu du lịch đạt 9.164 tỷ đồng.
Hiện tại, phát huy nhiều tiềm năng và lợi thế về du lịch với nhiều bãi biển có nước xanh, cát trắng vào loại đẹp nhất nước, Sầm Sơn đã và đang tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn về địa phương tham gia đầu tư, triển khai các dự án du lịch quan trọng trên địa bàn, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: VinGroup, SunGroup, FLCGroup, TNR, Foxconn, T&TGroup, Flamingo… Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đã triển khai đầu tư dự án Quảng trường biển - Tổ hợp đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Sắp tới đây, sau khi hoàn thành các dự án này, chắc chắn du lịch Sầm Sơn sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá, với các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, các dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hòn Trống Mái, thắng cảnh nổi tiếng của Sầm Sơn
Phát biểu về Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhấn mạnh: Để phát triển du lịch một cách bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa phải xác định rõ theo hướng: Doanh nghiệp là trung tâm, người dân là chủ thể, Nhà nước là “bà đỡ” hỗ trợ để tạo động lực cho du lịch phát triển.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX cũng đã xác định chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu “Du lịch bốn mùa”, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư hạ tầng, phải tạo ra sự đột phá trong môi trường du lịch, đổi mới tư duy phát triển du lịch; đưa du lịch thành ngành dịch vụ tổng hợp liên ngành, liên vùng, theo hướng chuyên nghiệp, văn minh; mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, một đại sứ thiện chí để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Mặt khác, người dân thành phố phải là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc chung tay, góp sức cùng chính quyền, xây dựng nền du lịch, thương mại, dịch vụ văn minh, thân thiện và hiếu khách. Hoàn thành mục tiêu đón được 63,7 triệu lượt khách đến trong năm 2025.
Với những chủ trương đúng đắn, những giải pháp phù hợp, với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và các doanh nghiệp, người dân làm du lịch, cùng những thay đổi quan trọng về chất lượng dịch vụ du lịch, Sầm Sơn đang phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Chắc chắn trong một tương lai gần, thành phố Sầm Sơn sẽ thực hiện thành công mục tiêu “du lịch bốn mùa” và trở thành một trong những đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại của cả nước./.
Bài, ảnh: Đào Nguyên Lan