Chầm chậm "phượt đồng" qua cung đường êm đềm, đôi bên là thảm lúa và lũy tre xanh, tôi được thị trấn Nhã Nam (Bắc Giang) "chào đón" bằng khung cảnh thanh bình, xa hút tầm mắt. Đi một chút nữa là gặp lại thành Phồn Xương, gắn với tên tuổi của anh hùng Hoàng Hoa Thám. Nghe như vọng lại tiếng sáo du dương từ xa xưa…
Du khách trải nghiệm đồi chè tại Bản Ven.
Sau bao lần trải nghiệm những con đường uốn lượn nối nhau kéo dài bất tận ở xứ đá Hà Giang hay rất nhiều con đèo nổi tiếng thót tim vùng Tây Bắc, thì chuyến trở về vùng đồi và núi thấp ở Yên Thế (Bắc Giang) lại mang đến một cảm giác khác. Men theo Quốc lộ 17 đến Bản Ven, xã Xuân Lương, cảm giác nhẹ bẫng ập vào lòng lữ khách, chỉ có thể thốt lên: Bình yên quá! Bình yên, không chỉ bởi những đồi chè, đồi hoa dịu dàng tỏa hương thơm ngát, mà còn bởi vùng quê không bị nhuốm mầu đô thị hóa này khoác tấm áo thanh tịnh khó diễn tả...
Bản Ven, có tới 95% số dân người dân tộc Sán Chay (nhóm Cao Lan), khéo biết tận dụng lợi thế của thiên nhiên, văn hóa để hình thành nên một sản phẩm du lịch đặc sắc có cái tên rất gợi -"Về làng". Về Bản Ven là "về làng" theo đúng nghĩa, khách được đắm mình trong không gian đình, chùa cổ kính, giếng nước và cây lim nghìn năm tuổi. Bà con thết đãi khách đặc sản Sình ca đằm thắm, lời hát thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe. Đình làng của người Cao Lan được xây dựng theo kiến trúc mái cong lợp ngói vẩy, khung dựng theo kiến trúc nhà sàn cổ nhưng không làm sàn, chạm khắc những họa tiết hoa văn truyền thống tượng trưng cho nước, lửa và mây trời. Nếp nhà sàn của người Cao Lan không cầu kỳ, nằm hiền hòa, xen kẽ với những vạt chè, tạo nên bức tranh tuyệt mỹ, cuốn hút.
Người Cao Lan, xã Xuân Lương luyện tập văn nghệ để giao lưu với du khách, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Trước đây, mới chỉ có khách trong tỉnh biết đến Bản Ven. Nay tiếng lành đồn xa, khách ở nhiều tỉnh, thành phố cũng tìm đến. Họ thích thú được hòa mình vào lối sống vùng chè, chụp những bức ảnh thư thái trên các quả đồi như chiếc bát úp, thác nước quanh năm tung bọt trắng xóa. Điều đáng mừng hơn nữa, sản phẩm Du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho phát triển bền vững. Người dân Bản Ven vồn vã, hiếu khách còn rất nhạy bén khi kết nối với các bản chung quanh, tạo nên sự đa dạng cho điểm du lịch cộng đồng.
"Về làng" còn là về nhà, nơi bước chân lữ khách có thể được dừng nghỉ dưới nếp nhà sàn, thưởng thức bữa cơm thuần vị quê nhà, được tự tay hái lá trà xanh còn nhuốm giọt sương long lanh để ủ nước uống, hay có thể vào bếp cùng với người dân nơi đây, nổi lửa nấu một bữa cơm với món đặc sản gà đồi vùng Yên Thế, cá rồi rau sạch…
Trận mưa thu vừa dứt, trời le lói ánh nắng. Nhóm thiếu nữ đã lại ùa ra với thiên nhiên, thỏa sức tạo dáng, bất ngờ tạo nên nét chấm phá thật đẹp. Nét mộc mạc, nên thơ làm sáng một vùng đồi.
Hải Miên