Đất đai Bạc Liêu màu mỡ, dân cư đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, đánh bắt hải sản và nghề làm muối... Khi nhắc đến du lịch Bạc Liêu người ta thường nói nhiều, nhớ nhiều tới những tour du lịch sinh thái thú vị mà không phải nơi nào cũng có được, nhớ đến giai thoại công tử Bạc Liêu, nhớ làn điệu đàn ca tài tử đậm chất Nam bộ… tất cả đã tạo cho du lịch Bạc Liêu những nét độc đáo riêng của mình.
Là vùng đất trù phú thịnh vượng, người dân Bạc Liêu hiền hoà, hiếu khách, có phong cách sống phóng khoáng đặc trưng của miền Nam bộ. Thời Pháp thuộc, Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam kỳ lục tỉnh, nên đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng rất thú vị.
Đã từ lâu Bạc Liêu được biết đến với những sân chim nằm ngay bên vành đai của đô thị. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp những đàn chim quay về tổ ấm cứ mỗi độ hoàng hôn buông xuống. Sân chim Bạc Liêu chính là một trong những điểm dừng chân lý tưởng dành cho du khách. Từ thị xã Bạc Liêu hướng ra phía biển, du khách có thể ngắm nhìn sự bao la của biển, của trời. Biển Bạc Liêu không có những bãi cát trắng phau như: Nha Trang, Vũng Tàu… nhưng lại có những nét riêng của mình bởi nơi đây có những bãi bồi xa tít.
|
Du khách tham quan chùa Xiêm Cán |
Đến Bạc Liêu du khách sẽ được khám phá những nét văn hóa Khmer với những đặc thù riêng. Chùa Xiêm Cán - ngôi chùa Khmer cổ được xây dựng cách đây hơn trăm năm, sẽ phần nào lý giải cho bạn những nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Chùa Xiêm Cán còn là nơi thường có những lễ hội để du khách đắm chìm trong màu sắc của Phật pháp, của cộng đồng dân tộc Khmer sống chan hòa trong lòng dân tộc Việt.
Bạc Liêu còn nổi tiếng với đặc sản nhãn da bò. Đặc biệt, ở thị xã Bạc Liêu có vườn nhãn cổ trên trăm tuổi, thu hút rất đông khách du lịch. Vườn nhãn rộng khoảng 230ha, chạy dài trên địa phận 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Nếu có dịp đặt chân đến đất Bạc Liêu các bạn sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn vừa ngon vừa lạ tai lại rất lạ miệng. Ví như lẩu mắm mà ăn với các loại rau đồng như: bông súng, rau dừa. Rồi đến các món cá lóc kho tộ ăn với dưa bồn bồn, bún nước lèo cá lóc, cá lóc nướng trui rơm. Nhiều món như: khô cá sặc trộn gỏi xoài xanh và nước mắm đường, gỏi ngó sen với tôm luộc, lẩu dưa chua, tôm khô ăn với dưa kiệu…
Tiềm năng phát triển du lịch có nhiều nhưng thực tế ngành du lịch Bạc Liêu cũng còn không ít khó khăn do chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh này. Tuy nhiên, du lịch Bạc Liêu trong thời gian qua có những bước phát triển đáng ghi nhận. Số liệu thống kê của tỉnh cho thấy, nếu như năm 2007, Bạc Liêu đón được 220.000 lượt khách và doanh thu đạt 240 tỷ đồng thì đến năm 2008, doanh thu đạt 300 tỷ đồng, tăng 16,7% và số lượt khách đến Bạc Liêu là 280.000 tăng 27,2% so với năm 2007, trong đó khách quốc tế khoảng 8.000 và 85.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch cũng từng bước được đầu tư phát triển, nhiều dự án du lịch đã và đang được triển khai.
Để thúc đẩy hoạt động du lịch tiếp tục phát triển bền vững, ngành du lịch của tỉnh đã tập trung khai thác những giá trị độc đáo của các điểm du lịch trong tỉnh, tạo cho du lịch Bạc Liêu có những điểm nhấn để thu hút khách và phát triển bền vững. Theo đó, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng tour, tuyến hợp lý; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các dự án khu, điểm du lịch trọng điểm để du lịch Bạc Liêu tạo đà bứt phá. Cụ thể tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng Khu du lịch Nhà Mát với quy mô gần 100ha ngay tại thị xã Bạc Liêu. Dự kiến năm 2010 công trình hoàn tất và đưa vào sử dụng sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy du lịch Bạc Liêu phát triển. Ngoài ra còn có một số dự án phát triển du lịch sinh thái như dự án phát triển khu du lịch sinh thái ven biển có quy mô 80ha; khu du lịch vườn chim Bạc Liêu; khu du lịch Vườn Nhãn; dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng…
Vốn được coi là chiếc nôi của du lịch văn hóa nên bên cạnh việc phát triển du lịch sinh thái thì việc phát triển du lịch văn hóa cũng được tỉnh Bạc Liêu chú trọng để khai thác. Bên cạnh việc tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, ngành du lịch tỉnh còn tập trung khai thác các điểm nhấn văn hóa mang sắc thái riêng của Bạc Liêu như: bản Dạ cổ hoài lang gắn với khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu; các khu du lịch tâm linh gắn với chùa chiền; tháp cổ Vĩnh Hưng gắn với nền văn hóa Óc Eo; phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử để phục vụ khách du lịch tại các khu di tích; tổ chức các lễ hội truyền thống địa phương.
Với những nỗ lực rất lớn của ngành du lịch Bạc Liêu, hy vọng du lịch Bạc Liêu ngày càng khởi sắc, thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu nhiều hơn góp phần thúc đẩy du lịch Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào thu nhập kinh tế-xã hội của tỉnh.