Thừa Thiên Huế: Sản phẩm du lịch - Làm gì đó để tạo khác biệt thật sự
Cập nhật: 16/10/2023
“Có cơ hội đi nhiều địa phương trong tỉnh hay đi nhiều tỉnh, thành trong nước để so sánh, dễ thấy là hàng loạt địa phương tổ chức lễ hội giống nhau, nhiều điểm du lịch xây dựng cùng mô hình như thang vô cực, cổng trời, các mô hình check-in…”.

Thăm hàng lưu niệm tại phố đi bộ Võ Thị Sáu

Phát biểu của ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, chuyên nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn trên báo Thừa Thiên Huế mới đây khiến nhiều người giật mình. Nhưng giật mình không phải vì đó là phát hiện mới, mà bởi đây là thực trạng đã được chỉ ra từ rất nhiều năm trước. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, sản phẩm du lịch của các địa phương trên cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế vẫn là na ná nhau.

Không chỉ sản phẩm du lịch nói chung mà đi vào từng sản phẩm cụ thể, ví dụ như phố đêm hay “kinh tế đêm”, Huế và các địa phương khác trong nước cũng tham quan học tập nhau, làm gần như nhau. Và dĩ nhiên kết quả thu được cũng đìu hiu như nhau sau những ngày khai trương trống dong kèn mở. Lấy ví dụ về sự “chết non” của khu phố đêm Hoàng thành từng rất được chính quyền và người dân kỳ vọng sẽ là một sản phẩm thu hút khách bởi sự mới lạ, mang đặc trưng riêng của Huế. Đây là khu phố được triển khai bằng một đề án bài bản, kỹ lưỡng với những hội thảo, nhiều lần lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia và người dân địa phương cũng như được sự thống nhất và đồng thuận cao.

Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, khu phố đêm Hoàng thành lại cho thấy, nó lại giẫm lên “vết xe đổ” của những khu phố đêm trước đó. Tức vẫn mang đặc trưng của những khu phố đêm nhan nhản trong Nam ngoài Bắc thay vì đặc trưng Huế, với những mặt hàng phục vụ việc ăn uống hay mua sắm rẻ tiền và có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu chứ không phải đến Huế mới có. Sự thất bại của khu phố đêm Hoàng thành đến từ rất nhiều lý do, trong đó cơ bản nhất vẫn là yếu và nghiệp dư trong khâu tổ chức; triển khai chưa đồng bộ; quá ôm đồm do thiếu nguồn lực cả về kinh tế lẫn con người.

Nói như ông Đặng Mạnh Phước thì sở dĩ sản phẩm du lịch của Huế và các địa phương đang na ná nhau là bởi những người làm ra sản phẩm cũng na ná nhau về suy nghĩ và ý tưởng, khi chưa quan tâm đến thị trường và chưa đặt khách hàng làm trung tâm. Nói trắng ra là chúng ta vẫn đang bán những sản phẩm chúng ta có thay vì bán những sản phẩm mà khách du lịch cần có.

Cũng theo ông Đặng Mạnh Phước thì việc bỏ qua bài toán thị trường, đi thẳng từ những tài nguyên sẵn có để tạo thành sản phẩm du lịch hay sao chép những dịch vụ đang thu hút sự chú ý của xã hội, tạo xu hướng mới để mong sản phẩm sẽ thu hút du khách, đem lại sự phát triển cho địa phương mà chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng sản phẩm, thiếu thông tin về thị trường trước khi làm sản phẩm là tình trạng đang diễn ra ở nhiều nơi.

Khi giữa các địa phương không có sự cạnh tranh về sản phẩm thì lợi thế thu hút khách đến hay kéo dài thời gian lưu trú - như giữa Huế và Đà Nẵng hay Hội An - lúc này sẽ nghiêng về phần thuận tiện giao thông và chất lượng dịch vụ. Và cũng phải thẳng thắn thừa nhận thực tế khách quan và chủ quan: Cả giao thông và chất lượng dịch vụ, Huế mình không và chưa thể so bì được với các nơi vừa kể.

Vậy nên muốn cạnh tranh về lượng khách và thời gian lưu trú với các địa phương, Huế không chỉ đầu tư công sức và tiền của, kể cả sự kiên nhẫn - không đánh trống bỏ dùi như ví dụ về phố đêm Hoàng thành, mà còn phải có chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục những điểm yếu cố hữu để tạo ra những sản phẩm du lịch có tính khác biệt thật sự.

Bài: Hoàng Văn Minh - Ảnh: Ngọc Hòa

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 15/10/2023