Tối 24/10, chương trình khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2023 đã được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) tổ chức trang trọng tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo.
Chương trình khai mạc Lễ hội chùa Keo được tổ chức trang trọng, đầy sắc màu.
Trước khi khai hội, đã có hàng nghìn du khách thập phương về tham quan di tích và thực hiện các nghi thức tâm linh lễ Phật, lễ Thánh cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu, mọi sự hanh thông.
Chùa Keo là ngôi chùa cổ lâu đời nhất, độc đáo nhất và là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Thái Bình. Ngôi chùa cổ đã tồn tại gần 400 năm, bắt đầu xây dựng năm 1630 và hoàn thành năm 1632.
Ngôi chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê, được làm toàn bộ bằng gỗ lim gồm 16 tòa, 126 gian. Nơi đây phụng thờ Dương Không Lộ, nhà sư thời Lý có kiến thức uyên thâm về Phật giáo.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải tặng hoa chúc mừng Lễ hội.
Kiến trúc tiêu biểu nhất tại đây là gác Chuông mang phong cách thời Lê, cao 11 mét, gồm 3 tầng. Toàn bộ khung đều làm bằng gỗ gắn với nhau bằng mộng.
Trong chùa bố trí, sắp xếp hệ thống tượng pháp thành các lớp và lưu giữ một số lượng lớn các bảo vật, cổ vật có giá trị hàng trăm năm: Đồ gốm, nhang án thời Lê, đôi chân đèn thời Mạc...
Năm 1962, chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2012, ngôi cổ tự được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2017, Lễ hội chùa Keo được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đến năm 2021, nhang án chùa Keo được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Keo khẳng định: Chùa Keo và Lễ hội chùa Keo là niềm tự hào của người dân Thái Bình.
Chùa Keo tỉnh Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục là điểm đến du lịch quốc gia. Nơi đây mỗi năm đón hàng chục nghìn du khách tới tham quan, vãn cảnh.
Lễ hội chùa Keo mùa Thu (lễ hội chính trong năm) kéo dài 6 ngày với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu Thánh cùng việc tái hiện trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân trồng lúa nước như: Chèo chải cạn, múa ếch vồ, hát giao duyên, thi thổi cơm cần…
Chèo chải cạn, một nét văn hóa đặc sắc ở Lễ hội chùa Keo được các nghệ nhân làng Keo biểu diễn trên sân khấu đêm khai mạc.
Điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật tổng hợp với chủ đề “Linh thiêng đất Phật” gồm 3 phần: Huyền tích chùa Keo, Về miền di sản và Vẻ đẹp bất tận, với sự tham gia của hơn 200 nam nữ diễn viên, nghệ nhân thuộc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát truyền thống tỉnh Nam Định, các Đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Bình… và các ca sĩ nổi tiếng như Nghệ sĩ ưu tú Việt Hoàn, ca sĩ Tân Nhàn, Á quân sao Mai năm 2019 Linh Chi…
Huyện Vũ Thư đang hướng đến mục tiêu xây dựng tour du lịch với các điểm đến tiêu biểu trên địa bàn gồm: Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa)-Làng vườn (xã Bách Thuận)-Chùa Keo (xã Duy Nhất) và du lịch sinh thái xã Hồng Phong. Trong tương lai, đây sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Mai Tú