Để người nông dân trở thành những người làm du lịch chuyên nghiệp cần thay đổi tư duy làm du lịch - dịch vụ. Chính quyền địa phương phải đóng vai trò chính trong xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng, nông nghiệp và có 4 bước cần lưu ý trong xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp.
Nông dân xã Suối Giàng (Văn Chấn) giới thiệu sản phẩm chè cho du khách tại Lễ hội trà Shan tuyết.
Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nêu rõ: phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Tại Yên Bái, trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp, cộng đồng đang được nhiều địa phương, người dân quan tâm.
Tại các địa phương trong tỉnh đang có nhiều hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh các hoạt động du lịch dưới dạng điểm check in, vườn hoa; có các hoạt động xây dựng cải tạo cảnh quan, cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ - du lịch, homestay. Việc làm này đã thu hút được nhiều du khách, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Các địa phương cũng đã khuyến khích người dân phát triển du lịch, cộng đồng. Tuy nhiên việc phát triển du lịch cộng đồng dựa vào nông nghiệp bền vững phải được định hướng cho nông dân, cần có các giải pháp hỗ trợ, quy trình phát triển du lịch rõ ràng, giúp nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng các quy định pháp luật của Nhà nước.
Mù Cang Chải đang dần xây dựng được du lịch bốn mùa thay vì chỉ là du lịch mùa lúa vàng với hướng chủ yếu là du lịch theo mùa hoa, trải nghiệm mùa nước đổ… Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nông nghiệp và du lịch. Du lịch là phương tiện truyền bá hình ảnh, nâng cao giá trị của nông nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, để người nông dân trở thành những người làm du lịch chuyên nghiệp cần thay đổi tư duy làm du lịch - dịch vụ. Chính quyền địa phương phải đóng vai trò chính trong xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng, nông nghiệp. Có 4 bước xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp cần lưu ý, đó là kết nối, nâng cao năng lực, thúc đẩy thu nhập và nhân rộng.
Về lâu dài, phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP là hướng đi hiệu quả. Các lao động trẻ nông thôn sẽ là nguồn nhân lực phù hợp, bổ sung cho các mô hình hiện tại đang thiếu nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Thạc sĩ Vũ Thị Hà - Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Yên Bái chia sẻ: "Du lịch cộng đồng không nên phát triển ồ ạt theo kiểu mạnh ai nấy làm. Chính quyền địa phương cần tham gia vào việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của địa phương đồng thời chính là người định hướng làm du lịch cho nông dân. Cái vốn để phát triển du lịch cộng đồng là 9 phần văn hóa, 1 phần là tiền nên chỉ nơi nào còn giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống thì mới có thể phát triển được du lịch cộng đồng.
Thực tế đã chứng minh, ở nơi nào chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn văn hóa thì nơi đó phát triển tốt du lịch cộng đồng. Và ngay tại chính hộ dân cũng không phải hộ dân nào cũng có thể làm được du lịch. Bởi du lịch cộng đồng chính là dựa trên văn hóa ăn, mặc, ở của chính người dân”.
Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Yên Bái rất quan tâm đến việc thay đổi sinh kế cho nông dân thông qua việc thay đổi tư duy phát triển du lịch.
Nhiều lớp học nghề du lịch cộng đồng ngắn hạn được mở ra, thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều người sau khi học đã thay đổi tư duy, mạnh dạn thay đổi sinh kế gia đình, chuyển hướng làm du lịch cộng đồng và cho hiệu quả. Tuy nhiên việc phát triển du lịch cộng đồng không thể khiên cưỡng khi điều kiện chính là văn hóa truyền thống của người bản địa bị phai nhạt dù điều kiện tự nhiên có đủ.
Thạc sĩ Vũ Thị Hà chia sẻ thêm: "Khi tôi tham gia giảng dạy các lớp du lịch cộng đồng tại các địa phương, tôi tìm hiểu rất kỹ về văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Nhiều nơi tôi cũng thẳng thắn tham mưu với chính quyền địa phương là không nên phát triển du lịch cộng đồng vì các nét văn hóa truyền thống đã bị phai nhạt.
Tôi đã từng khuyên vài học viên không nên làm khi tham quan nhà của họ không đủ điều kiện hoặc văn hóa cả vùng đã không còn giữ được nhiều. Đó là việc nên làm vì du lịch cộng đồng dù 9 phần văn hóa, 1 phần là tiền nhưng vẫn là phải bỏ tiền ra đầu tư. Khi bỏ tiền ra đầu tư mà không thu lại được thì thật khổ cho người nông dân. Mình thấy được điều đó thì chắc chắn mình khuyên họ".
"Hoặc ngay một địa phương phía Tây của huyện, thiên nhiên ưu đãi cho mạch nước khoáng nóng nhưng hầu hết nhà ở của người dân nơi đây đã là những nhà xây, nhà sàn bê tông, thì điều này cũng khó để phát triển được du lịch cộng đồng. Tôi tư vấn cho họ nếu muốn làm thì cần ốp lại toàn bộ nhà ở bằng cây tre, trúc, cải tạo không gian sống…”, chị Hà chia sẻ.
Ở Yên Bái cơ bản còn giữ được nhiều các giá trị văn hóa truyền thống, song muốn phát triển du lịch cộng đồng cần sự chung tay của 4 nhà: Nhà nước, nhà dân, nhà doanh nghiệp và nhà tư vấn. Có như vậy, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương mới được khai thác tối đa tạo thành các sản phẩm du lịch độc đáo. Điều đó sẽ đúng theo một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra đó là tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, tạo ra điểm liên kết để du lịch nông nghiệp kéo dài; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền.
Thanh Ba