TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch theo từng thị trường trên cơ sở nâng chất lượng những sản phẩm hiện có và hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận - huyện và TP. Thủ Đức.
Đó là chủ trương đúng và thực tế, hướng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ nhu cầu du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khai thác lượng khách TP.HCM với quy mô 10 triệu dân.
(Nguồn: Tạp chí Du lịch TP.HCM)
Chủ trương “Mỗi quận - huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” bước đầu đã tạo được nhận thức về việc sử dụng tài nguyên du lịch đã qua đánh giá và tài nguyên du lịch độc đáo chưa được khai thác hay phát hiện. Từ nền tảng ý thức quản lý, sử dụng, biến những điểm đến thành cơ hội phát triển kinh tế, TP. Thủ Đức và các quận - huyện sẽ tiếp tục duy trì - cùng với định hướng của Sở Du lịch - kết hợp khai thác theo chiều sâu sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng cao, trong đó sự liên kết sản phẩm đặc trưng, độc đáo của các quận - huyện thành chuỗi sản phẩm là rất cần thiết và cần tập trung trong giai đoạn kế tiếp.
Nhưng cần phải làm gì để sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố thu hút được du khách?
Trước hết, thay đổi cấu trúc về sản phẩm du lịch kết hợp giữa sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới đa dạng và độc đáo. Trong đó có những sản phẩm truyền thống vẫn được du khách yêu thích như địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; cụm di tích lịch sử - văn hóa tại trung tâm đã có nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách, như Hop on - Hop off (dịch vụ xe du lịch dừng đón và trả khách tại các điểm du lịch nổi tiếng), Water bus (xe buýt đường sông) khám phá sông Sài Gòn, du thuyền và cano trên sông, tour trải nghiệm cụm di tích Biệt động Sài Gòn, tour Thủ Đức, Gò Vấp với những di tích lịch sử - văn hóa có tuổi đời từ 100 đến 300 năm gắn liền với chiều dài hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM; tour các quận - huyện.
Những sản phẩm và tour du lịch ấy đã tạo cơ sở nhận thức nền tảng cho các quận - huyện về cách thức nhận biết, khai thác hiệu quà tài nguyên du lịch để góp phần tiến đến “cộng đồng du lịch”, nghĩa là từ chính quyền, người dân, điểm tham quan, doanh nghiệp cùng một nền tàng ý thức về lợi ích của phát triển du lịch, từ đó có thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong việc bảo tồn, phát huy, góp phần quảng bá điểm đến, mỗi cá nhân sẽ trở thành một đại sứ du lịch để giới thiệu điểm đến, ẩm thực, nét đẹp văn hóa… Cả cộng đồng cùng hành động thì hiệu quả du lịch không những được nâng cao mà chi phí đầu tư giảm, vai trò của Nhà nước về du lịch chỉ còn quản lý, kết nối, quảng bá. Các tour tuyến cơ bản tại các quận - huyện đã dần hình thành và đi vào khai thác. Đây là tín hiệu tốt, phản ánh hiệu quả của quá trình kết nối.
Mặc dù rất cố gắng, nhưng các quận - huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí xúc tiến du lịch, không có nhân sự chuyên trách, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo và Sở Du lịch Thành phố.
Theo chúng tôi, để du lịch TP.HCM đi vào chiều sâu, cần giải quyết tốt 9 nhóm công việc sau.
Thứ nhất, kiên trì theo định hướng dài hạn, tức xây dựng tư duy “cộng đồng du lịch”; nâng chất lượng trên nền tảng sản phẩm du lịch đã có, tạo thành những sản phẩm độc đáo mà du khách khi đến TP.HCM không thể bỏ qua.
Thứ hai, bám sát xu hướng du lịch thế giới, hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch sức khỏe, du lịch y tế.
Thứ ba, ủng hộ cộng đồng, hội nhóm bảo vệ môi trường và cùng đồng hành để nói rõ thông điệp ấy đến du khách.
Thứ tư, quảng bá sản phẩm du lịch mới có trọng tâm và chiều sâu, bên cạnh sản phẩm du lịch mới, độc đáo.
Thứ năm, lập kế hoạch ngắn hạn trong việc khai thông và làm sạch những dòng kênh, con rạch, đồng thời phát triển đường ven sông để phát triển hệ thống bến thủy nội địa. Kết hợp các phương tiện buýt sông, buýt thủy và nhà chờ thành một chỉnh thể “trên bến dưới thuyền”.
Thứ sáu, tìm kiếm và bổ sung những dịch vụ du lịch độc đáo, mới lạ, chú ý đến tính thường xuyên của dịch vụ ít nhất phải một tháng/lần, tránh tình trạng chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm.
Thứ bảy, hạn chế tính hình thức trong lễ hội, hướng đến tính hiệu quả lâu dài cho cộng đồng du lịch, bao gồm người dân, doanh nghiệp, như vậy sẽ giảm thiểu lãng phí trong đầu tư ngắn hạn (chỉ diễn ra trong vài ngày).
Thứ tám, cần có chính sách trợ giá sản phẩm du lịch nội đô cho người dân, áp dụng phương thức vận chuyển miễn phí xe điện dành cho du khách theo một số tuyến có sự kết nối liên thông bằng xe điện giữa các quận - huyện nhằm tạo thêm các tiện ích và giá trị gia tăng cho công dân Thành phố.
Thứ chín, tăng cường kết hợp quảng bá với các kênh truyền thông ở các tỉnh - thành đã ký kết hợp tác liên kết, có khung giờ giới thiệu những điểm đến, dịch vụ đặc sắc, ưu đãi lưu trú nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành các tỉnh - thành xây dựng sản phẩm, đưa du khách đến TP.HCM.
Nguyễn Minh Mẫn (TST Tourist)