Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm phát triển khá mạnh ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Để phát triển bền vững, các hoạt động du lịch mạo hiểm cần được quản lý hiệu quả, tổ chức chuyên nghiệp để hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho du khách.
Phát triển nhiều loại hình
Thời gian gần đây, nhiều du khách đã tìm đến Công viên Kong Forest (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) để trải nghiệm zipline xuyên rừng và đi xe địa hình ATV. Hiện tại, đây là tour zipline duy nhất tại Việt Nam bởi nó không chỉ là một đường trượt zip như các nơi khác mà là một hành trình trượt zip dưới tán rừng với thời gian từ 60 - 120 phút. Trên trang du lịch trực tuyến tripadvisor.com, nhiều du khách quốc tế đánh giá rất cao về sự chuyên nghiệp của nhân viên, cũng như tính an toàn của trò chơi zipline và xe ATV ở Kong Forest. “Vợ chồng tôi vừa đi tour ATV và zipline. Thật tuyệt vời khi lần đầu tiên tham gia tour ATV, được lái xe địa hình xuyên rừng, vượt suối, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Có 2 người hướng dẫn, hỗ trợ chúng tôi trong suốt chuyến đi khám phá, trải nghiệm. Sau đó, chúng tôi có bữa ăn trưa nhẹ rồi tiếp tục chinh phục tour zipline. 2 hướng dẫn viên rất chuyên nghiệp, thân thiện, luôn theo sát, chỉ cho tôi cách di chuyển đúng, an toàn. Đây là một trải nghiệm đầy thú vị và tôi muốn giới thiệu với mọi người”, du khách David Booth chia sẻ.
Du khách trượt zipline ở Kong Forest.
Để có được sự khen ngợi đó, Kong Forest rất chú trọng đến việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Ông Lý Khắc Cường - Tổng Quản lý Công viên Kong Forest cho biết: “Hệ thống zipline ở đây do các chuyên gia người Pháp thiết kế và thi công lắp đặt, được cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu. Các nhân viên được huấn luyện về nghiệp vụ để bảo đảm an toàn cho du khách. Các du khách đến trải nghiệm tour du lịch mạo hiểm ở Kong Forest đều được mua bảo hiểm du lịch”.
Ở Khánh Hòa còn có rất nhiều khu, điểm có hoạt động du lịch mạo hiểm, trong đó lớn nhất là VinWonders và các điểm kinh doanh thể thao biển trong khu vực vịnh Nha Trang. So với nhiều địa phương khác, hiện nay, loại hình du lịch mạo hiểm ở Khánh Hòa phát triển rất mạnh. Ở trên biển có lặn biển, kéo dù trên biển, mô tô nước, cano trượt ván, flyboard… Ở trên bộ có dù lượn, xe trượt núi, zipline, leo núi. Điều này đã giúp du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đa dạng hơn về sản phẩm, thu hút thêm nhiều đối tượng khách, nhất là khách trẻ tuổi ưa trải nghiệm cảm giác mạnh.
Cần quản lý chặt
Bên cạnh các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm, công ty lữ hành chuyên nghiệp, còn có nhiều người đi du lịch mạo hiểm theo kiểu tự phát. Rất nhiều người tự lập hội, nhóm để đi leo núi, đi bộ xuyên rừng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn. Cuối tháng 6-2023, một nhóm bạn trẻ gồm 7 người từ TP. Nha Trang đến thác Edu (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) để vui chơi. Trong khi tắm thác, 1 người bị chết đuối. Trước đó, cuối năm 2020, một nhóm khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đã thuê người dân ở Khánh Sơn dẫn đường, mang vác hành lý để đi tour trekking ở núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) và bị mắc kẹt trong rừng do gặp phải mưa lũ kéo dài, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng giải cứu. Ở sát ngay Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn khi tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm. Mới nhất, chiều 24-10, lũ quét bất ngờ xuất hiện cuốn trôi xe chở khách tham quan Khu du lịch làng Cù Lần (tỉnh Lâm Đồng), làm 4 người Hàn Quốc tử vong. 2 ngày sau, một nữ du khách nước ngoài thiệt mạng do trượt ngã khi trèo lên mỏm đá ở khu vực đỉnh Langbiang để chụp ảnh… Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, ngành Du lịch Khánh Hòa và các địa phương trong tỉnh cần kiểm soát chặt hoạt động du lịch mạo hiểm bởi ngay cả các khu điểm du lịch có hoạt động du lịch mạo hiểm nếu không kiểm tra, giám sát vẫn có thể xảy ra tai nạn dẫn đến hậu quả khôn lường.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Nghị định 168/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 đã quy định khá cụ thể về các loại hình du lịch mạo hiểm. Nghị định này còn quy định các biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch mạo hiểm. Trong những năm qua, Sở Du lịch đã tổ chức tập huấn tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của khách du lịch. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị gửi thông báo về việc tổ chức kinh doanh du lịch mạo hiểm để sở thẩm định; phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra về du lịch mạo hiểm. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền các quy định pháp luật về du lịch mạo hiểm; tăng cường công tác kiểm tra; có văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số vấn đề còn bất cập trong việc quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm hiện nay do các quy định pháp luật chưa rõ ràng...
Theo Nghị định 168/2017 của Chính phủ, các sản phẩm du lịch được xem là “mạo hiểm” khi có một hoặc một số hoạt động: Bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây, leo núi, vách đá, đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác, đi mô tô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch): Để du lịch trở nên chuyên nghiệp, cơ quan quản lý cần ban hành các quy định pháp lý chung về du lịch mạo hiểm. Chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, đồng thời ban hành những quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ, có quy định riêng với những đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm và cả du khách. Ngoài ra, du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm nên lựa chọn dịch vụ của những đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm, không nên tự ý tổ chức.
|
Xuân Thành