Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Với tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và nỗ lực, cố gắng của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hoạt động du lịch nông thôn ở Hải Lăng có nhiều khởi sắc, bước đầu ghi được dấu ấn gắn với kết quả trong xây dựng NTM.
Lễ hội phá trằm có từ hơn 300 năm nay là nét văn hóa dân gian độc đáo của trằm Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, thu hút đông đảo người dân tham gia - Ảnh: T.T
Huyện Hải Lăng là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, vùng gò đồi phía Tây có diện tích rừng tự nhiên lớn, vùng đồng bằng có các đầm, hồ chứa nước tự nhiên và nhiều vùng quê có phong cảnh đẹp, gắn với những lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc.
Các điểm du lịch trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn như Khu du lịch sinh thái (DLST) trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng), bãi tắm Mỹ Thủy (xã Hải An), Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang (xã Hải Phú)... Ngoài ra, huyện đã tiến hành khảo sát các điểm, tuyến du lịch mới phía đầu nguồn sông Ô Lâu, thác Chờng, Trằm Khang, thác Chàn... để đầu tư phát triển du lịch.
Khu DLST trằm Trà Lộc được xác định là hướng đột phá kinh tế - xã hội có tầm chiến lược lâu dài của xã Hải Hưng. Với sự quan tâm của tỉnh và huyện, các công trình xây dựng cơ bản và hệ thống giao thông trong Khu DLST trằm Trà Lộc, giao thông kết nối khu DLST với các nơi khác đã được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn khoảng 50 tỉ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ du lịch.
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng 10 ha hồ nuôi cá gắn với trồng cây ăn quả ở vùng đệm khu DLST phục vụ du khách đến tham quan. Ông Lê Quang Diệu, Trưởng thôn Trà Lộc chia sẻ, ngoài việc bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng thì Khu DLST trằm Trà Lộc còn có tiềm năng to lớn về phát triển DLST, tạo nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương.
Trong năm 2023, huyện Hải Lăng đã triển khai kế hoạch đầu tư tôn tạo 5 di tích lịch sử. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch Hải Lăng như Khu DLST trằm Trà Lộc, Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang.
Huyện đoàn Hải Lăng phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện triển khai thực hiện số hóa 4 điểm di tích lịch sử, văn hóa gồm: Di tích quốc gia Đình làng Câu Nhi, xã Hải Phong; Địa điểm xảy ra vụ thảm sát Mỹ Thủy năm 1948, xã Hải An và các di tích cấp tỉnh gồm: Địa điểm Phường Sắn, xã Hải Phú; Địa điểm ghi dấu tội ác vụ hành quyết nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Tuyết, xã Hải Hưng với hình thức lắp đặt các điểm truy cập mã QR Code.
Trong hành trình xây dựng NTM, huyện Hải Lăng xác định đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025, trong đó tập trung vào việc nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng...
Mục tiêu đặt ra của huyện là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Phấn đấu trên địa bàn huyện có từ 1-2 điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được kết nối trên trang thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá, 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù...
Để thực hiện kế hoạch, thời gian tới, huyện Hải Lăng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng, tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn, xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, khách du lịch... về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng NTM, huyện tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh và địa phương về khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Hải Lăng.
Bảo Bình