Tết Dương lịch là dịp người dân dành thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Do đó, đây cũng là dịp cao điểm đón khách du lịch, nhất là du lịch trong nước. Các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí tại các tỉnh, thành phố đã sẵn sàng nhiều phương án để thu hút khách du lịch trong dịp này.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại lễ hội ở Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh: Thành Tâm)
Nhiều chương trình sôi động ở các thành phố lớn
Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân Thủ đô và khách du lịch có không gian vui chơi, giải trí, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức các hoạt động trên không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong bốn ngày, từ ngày 29/12/2023 đến hết ngày 1/1/2024. Ngoài ra, các tuyến phố đi bộ khu vực Phố cổ Hà Nội hoạt động liên tục trong bốn buổi tối.
Dịp này, Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) diễn ra Lễ hội Hà Nội miền hoa. Tại đây có tới 60 nghìn chậu hoa được trưng bày, tái hiện lại các “miền hoa” của Việt Nam từ làng hoa Tân Quý Đông (Đồng Tháp) cho đến vườn cẩm tú cầu (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) cùng rừng hoa ly Hà Lan tại đảo Thống Nhất.
Bên cạnh việc trưng bày các loài hoa, các hoạt động giải trí, nghệ thuật cũng được công viên tổ chức để giới thiệu với khách tham quan về nguồn gốc của những loài hoa. Diễn ra trong thời gian 10 ngày và đóng cửa khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, lễ hội hoa là điểm đến được rất nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn.
Tại các di tích lớn của Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò… được trang trí và tăng cường nhân viên phục vụ trong dịp Tết Dương lịch.
Ở thị xã Sơn Tây, cuối tuần này, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức chợ đêm du lịch tại sân đình Mông Phụ, bày bán những sản vật do chính người dân Đường Lâm làm.
Dịp này, Ban Quản lý di tích còn phối hợp các tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tranh nghệ thuật về Làng cổ Đường Lâm tại đình Mông Phụ, giới thiệu trang phục truyền thống tại không gian trà Vân, tổ chức các hoạt động sáng tạo tại Đài Creative.
Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: Đường Lâm luôn là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn, nhất là những dịp lễ, Tết.
Bởi vậy, việc làm phong phú các hoạt động được thực hiện theo hướng khai thác giá trị văn hóa làng cổ, vừa tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời góp phần phát huy giá trị của làng cổ.
Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022 và vượt 9,1% so với chỉ tiêu đề ra. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022.
Từ kết quả này, Hà Nội phấn đấu đón 26,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
Ngay từ dịp Tết Dương lịch, thành phố đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tạo đột phá từ đầu năm. Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, giá cả, ngành du lịch thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm… hạn chế tối đa những bất cập xảy ra khi lượng khách đổ về thành phố tăng đột biến.
Du khách thích thú khám phá Thành phố Hồ Chí Minh về đêm khi tham gia tour “Quận 1 - Sắc màu đêm”. (Ảnh: Mạnh Hảo)
Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết Dương lịch 2024 tổ chức tour đêm “Quận 1 - Sắc màu đêm”, giúp du khách khám phá thành phố về đêm với việc kết hợp giữa các hoạt động thưởng thức nghệ thuật, dạo phố đêm, mua sắm, trải nghiệm ẩm thực và thư giãn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quận 1.
Trong dịp này, người dân thành phố và du khách sẽ được trải nghiệm ở công viên bờ sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn), thành phố Thủ Đức vừa được khánh thành.
Công viên rộng khoảng 20 ha, dài khoảng 600m, bề rộng trung bình 40m, có tổng kinh phí đầu tư khoảng 90 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Một trong những điểm nhấn của công viên là cánh đồng 15 nghìn cây hoa hướng dương khoe sắc dịp Tết Dương lịch và khoảng 20 nghìn cây trổ hoa vào dịp Tết Nguyên đán.
Cùng với sự kiện khánh thành công viên bờ sông Sài Gòn, thành phố Thủ Đức tổ chức tuần lễ chào đón năm mới năm 2024 với chủ đề “Hội tụ” diễn ra đến ngày 17/2/2024.
Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức hàng loạt sự kiện như đếm ngược chào đón năm mới, bay dù lượn và khinh khí cầu, trải nghiệm chuỗi gian hàng mua sắm, ẩm thực và các hoạt động thể thao cộng đồng.
Hầu hết các cơ sở lưu trú đã kín phòng
Dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) diễn ra lễ hội hoa Tớ dày (hoa đào rừng) gắn với tôn vinh khèn Mông vừa được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mù Cang Chải Sùng A Chua cho biết, năm 2023 huyện đón hơn 370 nghìn khách du lịch.
Biểu diễn khèn Mông tại Mù Cang Chải (Yên Bái). (Ảnh: Thanh Sơn)
Để thu hút khách du lịch, hai năm nay, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và trồng mới hoa Tớ dày để tạo cảnh quan đẹp. Vào dịp Tết trồng cây đầu xuân hằng năm, huyện vận động nhân dân trồng mới hàng trăm nghìn cây Tớ dày.
Đến nay, huyện có khoảng 5 ha trồng hoa Tớ dày tập trung tại thị trấn Mù Cang Chải và các xã La Pán Tẩn, Mồ Dề, Cao Phạ, Chế Tạo, Khao Mang. Đến Mù Cang Chải những ngày này, nhiều du khách leo lên đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn hoặc về Háng Giàng, xã Lao Chải để ngắm rừng hoa Tớ dày khoe sắc trên các triền núi.
Trong cái lạnh cuối đông, ngắm sắc hoa đỏ trên non cao, nghe tiếng khèn Mông réo rắt gọi bạn… du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên.
Hiện, Mù Cang Chải có 104 cơ sở lưu trú du lịch, sức chứa 2.600 khách/đêm, giá phòng ngày thường khoảng 300 nghìn đồng; còn với dịch vụ nghỉ cộng đồng tại các homestay thì giá chỉ từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/người/đêm.
Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý giá các dịch vụ, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn khi số lượng khách du lịch đổ về đông.
Dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024, Hà Giang dự kiến đón hơn 10 nghìn khách du lịch. Du khách chủ yếu đến các điểm du lịch nổi tiếng vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Khách tham quan dinh thự họ Vương tại huyện Đồng Văn (Hà Giang). (Ảnh: Khánh Toàn)
Ngay từ đầu tháng 12, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ tại bốn huyện Cao nguyên đá Đồng Văn đều đã có khách đặt kín phòng trong kỳ nghỉ sắp tới.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết:
Ngành đã chỉ đạo các huyện chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng; vận động các cơ sở lưu trú chuẩn bị các điều kiện để đón khách và không tăng giá dịch vụ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống tại các khu, điểm du lịch phục vụ du khách.
Tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang những ngày tới sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian; hội thi các món ăn dân tộc Dao; trình diễn trang phục người Dao...
Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ là điểm được tỉnh Hà Giang chọn để tổ chức lễ đón những vị khách đầu tiên đi du lịch Hà Giang năm 2024, đã có sự chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này.
Ông Lương Tuấn Thịnh, Giám đốc Điều hành Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village cho biết, khách đã đặt kín phòng nghỉ trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024 từ cách đây một tháng. Cơ sở đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm cho du khách được thụ hưởng dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, an toàn, được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.
Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) hiện là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Thôn có 42 hộ làm dịch vụ lưu trú, có thể tiếp đón hơn 500 du khách mỗi ngày.
Từ đầu tháng 12, tất cả các hộ làm dịch vụ lưu trú đều đã có khách đặt kín phòng. Dự kiến, dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay thôn đón khoảng 3.000 du khách đến ăn, nghỉ, chưa kể khách tham quan.
Ông Sìn Gỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú cho biết: “Để bảo đảm tiếp đón số khách du lịch đông như vậy, từ giữa tháng 12, thôn đã tổ chức họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các hộ dân trong thôn, có tổ trông giữ xe, phân luồng giao thông; tổ phụ trách vệ sinh môi trường; tổ cung cấp thực phẩm. Các gia đình làm dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cũng bảo đảm cơ sở vật chất để đón khách. Đội văn nghệ cũng chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để phục vụ du khách vào buổi tối”.
Huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) tổ chức Festival cao nguyên trắng Bắc Hà, với chủ đề “Nghiêng say mùa đông” tại sân quảng trường và các tuyến phố đi bộ của huyện vào ngày 30 và 31/12/2023, với nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực bản địa đặc sắc, hứa hẹn thu hút đông du khách trong và ngoài nước.
Tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà và các trục đường chính của thị trấn Bắc Hà sẽ có Hội thi trình diễn nghệ thuật khèn Mông do các nghệ nhân ở 15 xã của huyện biểu diễn.
Trong khi đó, tại Sa Pa sẽ có lễ hội mùa Đông với chuỗi sự kiện hấp dẫn như: Chương trình trải nghiệm mùa hoa Anh Đào-Đồi chè Ô Long; khánh thành không gian “Sa Pa-Tinh hoa hội tụ chào năm mới 2024 -Xuân Giáp Thìn”.
Bên cạnh đó là Talk show truyền hình về giá trị nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Mông; Trải nghiệm “Không gian Tuyết Sa Pa”… Dự kiến trong dịp này, Sa Pa sẽ đón thêm khoảng 180.000 lượt khách tham quan.
Khách du lịch tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Mộc Châu (Sơn La). (Ảnh: Ngọc Tuấn)
Năm 2023, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) tiếp tục được công nhận là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Gần 300 cơ sở lưu trú ở huyện đã có khách đặt phòng nghỉ dịp Tết Dương lịch từ cuối tháng 11/2023 và đến nay cơ bản đã đặt hết phòng.
Trong dịp này, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng với huyện Mộc Châu ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ mới để đón khách du lịch.
Đơn vị lữ hành Mocha và Xuân Dung Travel hợp tác làm những land tour trải nghiệm trong ngày, đưa du khách đến với những điểm đến hoang sơ như: Làng nguyên thủy Hang Táu, Thác Nàng Tiên; Khu du lịch Happy Land Mộc Châu…
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu cho biết: Huyện đã phát động phong trào “Không tăng giá cuối tuần, ngày lễ, giảm giá ngày thường”; “Mặc trang phục dân tộc dịp cuối tuần, ngày lễ”; “Trồng hoa tạo cảnh quan”.
Huyện phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La thẩm định, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ khách đối với 40 cơ sở lưu trú trên địa bàn; tổ chức gặp mặt các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch để phổ biến, quán triệt những nội dung, yêu cầu trong dịp đón khách.
Dịp này, huyện sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú không chấp hành việc báo cáo khách lưu trú qua đêm theo quy định; hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng các dịch vụ và bảo đảm các biện pháp phòng, chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
Nhóm PV thường trú