Với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi, du khách có thể về đến thành phố Nam Định bằng các phương tiện: tàu hỏa hoặc xe khách; trong nội tỉnh khách di chuyển bằng xe bus, taxi, “xe ôm” tới các điểm, khu du lịch của tỉnh. Nếu ưa khám phá, trải nghiệm thì cách di chuyển bằng phương tiện xe máy là sự lựa chọn lý tưởng khi du lịch tại Nam Định. Hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng tầng mức, như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng có giá cả hợp lý, từ bình dân đến cao cấp.
Du khách xem trình diễn múa rối nước xã Hồng Quang (Nam Trực).
Ở thành phố Nam Định - Thành phố Dệt, hay Thành Nam xưa, khách có thể ghé thăm Bảo tàng tỉnh, tọa lạc tại đường Cột Cờ, trung tâm thành phố Nam Định - nơi lưu giữ, bảo tồn hàng nghìn tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, phản ánh sinh động, rõ nét các giai đoạn lịch sử của tỉnh. Kế bên Bảo tàng tỉnh là di tích Cột cờ Nam Định - công trình được phục dựng ngay tại nền của một trong 4 kỳ đài cổ xưa nhất trên cả nước, được Vua triều Nguyễn xây dựng đầu thế kỷ XIX. Cũng trong khu vực này, du khách có thể tham quan Chùa Vọng Cung, khu bảo tàng Dệt Nam Định; xa hơn là Công viên hồ Vỵ Xuyên (nơi có mộ của nhà thơ Tú Xương) - Tượng đài Trần Hưng Đạo, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Phổ Minh. Trải nghiệm không gian Thành Nam xưa, dạo bước trên những con phố cổ, thưởng thức đặc sản ẩm thực như: phở bò, xôi xíu, bánh gối, bánh cuốn, bánh mỳ, bánh gai, bánh xíu-páo, kẹo sìu châu…
Quanh thành phố, về các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên là những vùng đất cổ với hệ thống di tích, địa chỉ tham quan, trải nghiệm mang đậm giá trị tín ngưỡng của đất và người Nam Định; đó là các di tích thời Trần như: Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đình - Miễu Cao Đài, Đền Trần Thừa…; các di tích thờ Mẫu tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy, Phủ Quảng Cung; chợ Chùa - Chùa Đại Bi (Nam Giang); Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)…
Cũng từ thành phố Nam Định, với cung đường xuôi về các huyện phía nam tỉnh, du khách sẽ đến với những điểm du lịch hấp dẫn. Tiêu biểu là Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), nơi sinh ra và lớn lên của Tổng Bí thư Trường Chinh - người con ưu tú của quê hương Nam Định. Trải qua hơn 100 năm, Nhà lưu niệm vẫn giữ được không gian kiến trúc truyền thống vùng nông thôn Bắc Bộ. Tại làng cổ Hành Thiện, du khách có dịp tham quan, tìm hiểu về truyền thống hiếu học, khoa bảng của người dân quê hương. Từ Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, du khách có cơ hội tham quan di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc Chùa Keo Hành Thiện - một trong 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt của tỉnh; chiêm ngưỡng vẻ đẹp đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc của hệ thống nhà thờ Thiên chúa giáo như: Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai và Tòa Giám mục Bùi Chu.
Về Nam Định, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội ghé thăm các làng nghề truyền thống như: đúc đồng làng Tống Xá, thị trấn Lâm; sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến, chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên); hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá; hoa giấy, rối nước, xã Hồng Quang (Nam Trực); ươm tơ, dệt vải làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh)… Theo Quốc lộ 21B, về huyện Giao Thủy, điểm dừng chân thú vị trong tour du lịch phải kể đến Bảo tàng Đồng Quê, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh - bảo tàng tư nhân được xây dựng bởi những con người đau đáu một tình yêu và tâm huyết muốn lưu giữ hồn quê thuần Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ và sinh hoạt truyền thống của người dân sông nước cho con cháu các thế hệ mai sau. Tham quan Bảo tàng Đồng Quê, du khách được khám phá các kiểu kiến trúc nhà ở vùng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng truyền thống của các tầng lớp cư dân: nhà bần nông, nhà trung nông, nhà địa chủ, cùng các bộ sưu tập các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt phổ biến của thôn quê bằng nhiều chất liệu: mây tre đan, sành, sứ, đồng… Tại đây, du khách còn được trải nghiệm những công việc của nhà nông như: làm mắm, ủ rượu, làm bánh; thưởng thức các món ăn dân dã được người địa phương nuôi trồng và chế biến trực tiếp như: nem nắm, cơm quê; trải nghiệm những thú vui tao nhã: câu cá, thả diều… Cũng tại huyện Giao Thủy, du khách yêu thiên nhiên, sinh thái sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy - Điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và là vùng lõi số một của Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Tiết trời cuối thu, đầu đông, Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành “sân ga” của hàng vạn con chim di trú tránh rét phương Bắc, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ quốc tế. Du khách di chuyển bằng tàu thuyền thăm Cửa Ba Lạt - nơi con sông Hồng đổ về với biển, tìm hiểu đời sống của các loài chim di trú; thưởng thức món ăn dân dã trên chòi nuôi ngao là những trải nghiệm thú vị sẽ không thể nào quên. Các sản vật nơi đây như: hải sản tươi sống, mật ong sú vẹt là những đặc sản quê du khách có thể mua về làm quà. Ngoài ra, “điểm nhấn” trong hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại Giao Thủy là du khách được tìm hiểu, tham gia vào cuộc sống của người dân địa phương tại các cơ sở sản xuất mắm thủ công ở xã Giao Châu; nghề làm muối ở xã Bạch Long; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Hải; đóng tàu biển tại thị trấn Quất Lâm…
Trong tour du lịch trải nghiệm cộng đồng ở Nam Định, không thể không nhắc đến miền quê vùng chân sóng - huyện Hải Hậu - nơi 45 năm liên tục là điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước. Về đây, tại thị trấn Yên Định sầm uất, dạo bước ở khu phố cổ Đông Biên, du khách được trải nghiệm không gian xưa giữa cuộc sống hiện đại. Những ngôi nhà cổ yên bình dưới những vườn cây xanh mướt trong không gian rất đỗi thân thuộc. Mô hình du lịch Ecohost Hải Hậu còn mang đến những trải nghiệm du lịch đồng quê như đi xe đạp khám phá, trải nghiệm không gian sống và tinh thần lao động chăm chỉ, cần mẫn của người dân địa phương. Nhiều du khách thực sự thích thú khi đến thăm làng kèn đồng Phạm Pháo, làng mộc mỹ nghệ xã Hải Minh; di tích Cầu Ngói - Chùa Lương xã Hải Anh; Nhà thờ đổ Hải Lý - chứng tích biến đổi khí hậu; trải nghiệm đan, vá lưới; đánh bắt hải sản bằng cà kheo tại xã Hải Triều; trải nghiệm làm diêm dân ở xã Hải Chính; làm bánh nhãn tại làng nghề Đông Cường, thị trấn Yên Định…
Nam Định được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, cảnh quan nên thơ, sinh động; người dân thân thiện mến khách. “Lợi thế vàng” trong phát triển kinh tế du lịch với đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù từ du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển đến du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng, lưu trú, nghỉ dưỡng… vẫn đang từng bước được khai thác phát triển. Nếu được đầu tư thích đáng sẽ đưa Nam Định trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, với những trải nghiệm thú vị./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng