Không chỉ có những sử thi đậm chất huyền thoại, với những điệu cồng chiêng được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Tây Nguyên còn là miền mỹ vị với những loại ẩm thực khiến nhiều người chẳng thể bỏ qua.
Hái lá mỳ đãi khách. Ảnh: Tiêu Dao
Một món ăn vừa lạ lẫm, vừa giản dị, vừa đậm chất cao nguyên vẫn thường được người Jrai ở vùng cao nguyên sử dụng thường ngày và để đãi khách. Đó là những món ăn từ lá mỳ (lá sắn) của đồng bào. Có lên với đại ngàn để làm khách của người Jrai mới thấy cuộc sống và con người nơi đây đằm thắm, mộc mạc và khoáng đạt như gió đại ngàn vậy. Người Jrai chốn này có nhiều món ngon độc đáo như món lá mỳ xào, món cá um và món muối kiến vàng bởi rất khó ăn, nhưng nếu biết được rằng chỉ có khách quý thì người Jrai mới làm những món này để đãi, có lẽ, chẳng ai ngại ngần chối từ để rồi cảm thấy rằng những món ăn đó rất ngon.
Anh Siu Phĩu, người dân Jrai Mthur ở buôn Ama Hyai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) bảo: “Người Jrai thường sử dụng lá mỳ như một loại rau. Từ lá mỳ này có thể chế biến thành nhiều loại thực phẩm từ xào nấu, làm canh, làm bột hay thành món ăn có vị thuốc đều được!”. Không ai biết món lá mỳ xào có từ bao giờ, nó giúp cho người dân nơi đây vượt qua những năm tháng nghèo đói. Bây giờ, đời sống đã thay đổi, nhưng người Pa Cô vẫn lưu giữ món ăn này và nó trở thành đặc sản dùng để đón tiếp khách từ phương xa. Ami Siu Phĩu (mẹ anh Siu Phĩu) bảo rằng, món lá mỳ này phổ biến đến mức người Jrai tự nhận rằng sinh ra đã có lá mỳ trong miệng. Có 2 loại lá mỳ màu trắng và màu đỏ ăn được, thường không có củ và lại rất dễ trồng, nên người dân thường trồng quanh nhà như một loại rau. Loại lá mỳ màu xanh là mỳ cao sản, trồng để lấy củ bán, không ăn được vì có thể làm người ta say.
Trước khi xào, người Jrai thường vò hoặc giã nát lá mỳ. Nếu đám tiệc đông người thì nên giã vì vò không nổi. Còn trong gia đình ăn thì nên vò, vì vò ăn ngon hơn. Để chế biến món xào ngon và giữ được màu xanh mướt của lá mỳ, cần phải có kinh nghiệm trong việc chọn lá, thường là những ngọn non, mập mạp, có màu xanh. Sau khi hái thì lá còn hăng và chứa nhựa gây đắng, phải rửa lá nhiều lần với nước, tiếp đó, thêm muối vào và khéo léo dùng lực, vừa phải vò làm sao cho lá nhừ, mềm, nhưng vẫn giữ nguyên búp, không bị nát. Vò xong rửa lại nhiều lần với nước sạch cho tới khi không còn nhựa. Đợi ráo nước rồi trộn với những gia vị cần thiết như ớt, muối, bột ngọt. Sau đó, bắc chảo lên bếp, cho dầu vào và để thật sôi. Để món ăn có mùi thơm nên cho tỏi vào phi, sau đó cho lá mỳ vào và đảo đều tay.
Lá mỳ xào là món ăn ngon của người Jrai. Ảnh: Tiêu Dao
Người ta có thể xào lá mỳ với cá khô, cá hấp, thịt heo hoặc chỉ với dầu ăn, nhưng đúng bài thì phải có thêm vài tép xả, bông đu đủ đực. Ăn lúc đầu đắng, lúc sau ngọt, hay xào với cà rừng là một loại cà nhỏ như đầu ngón tay và đặc biệt không thể thiếu ớt, mà phải dùng ớt xanh của người Jrai mới ngon. Khi nấu nên mở nắp cho lá mỳ có màu xanh đẹp. Xào đến khi nào khô đáy nồi là được. Lúc bày ra ăn, thêm vài lá é là một loại lá gia vị của người Jrai cho thơm.
Cũng với lá mỳ ấy, người Jrai có thể chế biến thêm món canh lá mỳ hoặc món Anam Tbung. Khi xào lá mỳ chín, cho nước bột gạo vào, vừa khuấy, vừa đổ cho tới khi bột gạo chín và sệt lại như cháo. Anam Tbung chỉ ăn vào những dịp ma chay, cưới hỏi, lễ giỗ hoặc nhà mới. Anam Tbung cũng nấu bằng bột gạo nhưng thường nấu với lòng heo, lòng bò hoặc thịt. Anh Siu Phĩu thành thật chia sẻ rằng có ăn được lá mỳ thì mới thành người Jrai được, sống với người Jrai, làm khách của người Jrai mới cởi mở và gần gũi được. Siu Phĩu bảo rằng, những người Jrai xa quê nhớ nhất món này. Vào thời tiết se lạnh, những đứa con xa nhà thấy ấm lòng hơn khi ngồi bên bếp lửa thưởng thức món ăn dân dã nức mùi thơm của tỏi hòa với vị đắng nhẹ của lá mỳ, quyện với vị cay của ớt rừng.
Bữa cơm trong ngôi nhà sàn nho nhỏ bên bờ sông Ba trong buổi chiều lam khói, dẫu bữa ăn đạm bạc chỉ có lá mỳ xào, cá um và muối kiến vàng nhưng ngon lạ lùng. Bởi không chỉ vì đó là những món ăn truyền thống chỉ để đãi khách quý, mà vì những người Jrai nơi đây sau kang rượu cần đầy ân tình đều rất cởi mở, phóng khoáng. Ẩm thực của người bản địa Tây Nguyên phong phú tới mức, nhiều người đã từng lăn lộn nhiều năm trong các buôn làng vẫn không thể “điểm mặt” hết các món ăn dưới mỗi nóc bếp, có món nhìn chỉ để thỏa trí tò mò, có món nhìn là muốn ăn ngay. Nhưng không nơi nào ẩm thực của người bản địa lại được “thương mại hóa” triệt để, trở thành đặc sản riêng có như ở thung lũng Ayun này.
Người Jrai với những món ăn truyền thống rất giản dị, nhưng lại chứa đựng đầy những ân tình. Được thưởng thức những nét độc đáo của ẩm thực đồng bào Jrai giữa mơ màng tiếng chiêng, tiếng trống, giữa bập bùng lửa akhan, giữa những người anh em Jrai mới thấy được sự nồng ấm, mộc mạc và chân tình. Họ chẳng có gì ngoài cái tình giữa con người với con người. Cái tình của sự cố kết đã giúp họ sống giữa núi rừng cho đến tận bây giờ và mai sau.
Tiêu Dao