Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch 116/KH-BVHTTDL về việc Tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024.
Ảnh minh họa (Ảnh: Thế Dương)
Kế hoạch thông qua các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn (2024) nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc, đồng thời góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại "Ngôi nhà chung", Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mang đến không khí đón Tết cổ truyền dân tộc cho khách du lịch những ngày đầu Xuân.
Tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, qua đó để mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay; tăng cường kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ đặc biệt của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nâng cao sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, qua đó giáo dục thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Theo đó, Kế hoạch bao gồm các nội dung sau: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân đất nước (Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc)với nội dung gồm các các bài ca về Đảng, về Bác Hồ, về mùa Xuân và giới thiệu di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc: Dự kiến Trình diễn giới thiệu trò Xuân phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Thanh Hóa; các điệu múa đầu năm, múa lễ hội đền tháp của đồng bào Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận; giới thiệu nghệ thuật Hát Then di sản văn hóa đại diện nhân loại của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng; cồng chiêng, xoang của đồng bào B'ru Vân Kiều tỉnh Quảng Bình.
Tiếp sau chương trình nghệ thuật, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc, tặng quà người có uy tín đồng bào dân tộc (28 đại diện 28 dân tộc: nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…), đại diện đồng bào các dân tộc tặng quà, chúc Tết lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cùng tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân, trồng cây lưu niệm tại khu các làng dân tộc . Tái hiện giới thiệu nghi thức, lễ hội truyền thống vùng miền, trình diễn di sản văn hóa như Lễ Trỉa lúa (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) của dân tộc B'ru Vân Kiều, Lễ hội Nàng Hai - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Tày, Giới thiệu Trò Xuân phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar của dân tộc Chăm và Chương trình "Du xuân" giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Đồng thời Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu các hoạt động cần tạo không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày đầu xuân năm mới nhằm động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của quần chúng Nhân dân dịp Tết Giáp Thìn và thiết thực kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024).
Các đại diện tham gia hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn trong Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền tổ quốc" là người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) người dân tộc thiểu số đã có thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc tại địa phương.
Việc tổ chức các hoạt động trong Ngày hội phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các địa phương, dân tộc tham gia sự kiện. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức trang trọng, tiết kiệm và đảm bảo an toàn tuyệt đối về chính trị, an ninh, trật tự xã hội.
HP