Phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên gắn với phát triển du lịch
Cập nhật: 15/02/2024
Lâm Đồng ở phía nam Tây Nguyên, vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và văn hóa đa dạng của các dân tộc cùng giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan độc đáo.

Khung cảnh thiên nhiên Đà Lạt tạo sức hấp dẫn với các chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Đây là tiềm năng, thế mạnh để khai thác các loại hình du lịch chất lượng cao, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa-lịch sử, canh nông… thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh phát triển du lịch ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, giá trị di tích lịch sử, văn hóa và thiên nhiên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một ngành du lịch chất lượng cao và bền vững.

Giá trị văn hóa và thiên nhiên

Trên hành trình xây dựng và phát triển, Đà Lạt - Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Vùng đất này kết hợp giữa cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp với nhiều di sản lịch sử - văn hóa, tự nhiên đa dạng, tạo nên sự trải nghiệm du lịch độc đáo. Đây còn là nơi hội tụ nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của 47 dân tộc như Kinh, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mnông, Tày, Nùng, Thái, H’Mông...

Với hơn 70% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, người Cơ Ho ở huyện Lạc Dương luôn gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, đua ngựa không yên, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa rượu cần. Không chỉ phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng ngay tại buôn làng, tại các điểm du lịch trong huyện, như khu du lịch Langbiang, làng Cù Lần, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà… các giá trị văn hóa truyền thống cũng được cư dân bản địa giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước. “Chúng tôi luôn quan tâm khuyến khích, vận động người dân gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bởi, văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch và du lịch sẽ góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa, tạo thêm thu nhập cho người dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương Cil Poh cho biết.

Thành phố Đà Lạt được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những công trình và biệt thự cổ kiến trúc châu Âu, như các biệt điện của toàn quyền Pháp tại Đông Dương, dinh Bảo Đại; ga xe lửa Đà Lạt, Trường đại học Đà Lạt, Nha địa dư, Trường cao đẳng Đà Lạt… và một số công trình kiến trúc tôn giáo, như chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, nhà thờ Chánh tòa, nhà thờ Mai Anh, Thiền viện Trúc Lâm… Việc bảo tồn và khai thác giá trị những kiến trúc này có thể tạo loại hình du lịch khám phá, du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Trần Thanh Hoài thông tin, vùng đất phía nam Tây Nguyên này còn sở hữu ba di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.

Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng đô thị di sản thế giới. Toàn tỉnh có 37 di tích được xếp hạng, trong đó có hai di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh; có 21 làng nghề truyền thống, 14 làng nghề gắn với du lịch. “Với những tiềm năng du lịch và nhân văn phong phú đó, Lâm Đồng đã trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực, trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới”, ông Hoài kỳ vọng.

Lâm Đồng hiện có hơn 539.000 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 54,5%; có hai vườn quốc gia là Bidoup-Núi Bà và Cát Tiên; là một trong những trung tâm sản xuất hoa lớn trong khu vực Đông Nam Á và nhiều đặc sản khác; có tài nguyên thiên nhiên quý giá do tính đa dạng sinh học cao, núi rừng hoang sơ, có nhiều hồ, sông, suối và thác nước chảy quanh năm, khí hậu mát mẻ ôn hòa, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tạo nên sự trù phú cho vùng đất Lâm Đồng.

Trong chuyến thực tế nhằm xúc tiến hoạt động thương mại tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà mới đây, ông John Park, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, bày tỏ ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên của Bidoup-Núi Bà. “Ở đây có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, khám phá gắn với bảo tồn giá trị của nó. Chúng tôi mong muốn các bên mở ra cơ hội hợp tác phát triển trong tương lai”, ông Park nói.

Theo Thạc sĩ Trương Ngọc Minh, Học viện Chính trị khu vực II, những yếu tố “địa lợi, nhân hòa” mang đến cho Lâm Đồng những tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch chất lượng cao, bền vững riêng có, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội-sự kiện, sinh thái, canh nông đến du lịch di sản lịch sử-văn hóa, tự nhiên...

Xác định, du lịch chất lượng cao, du lịch xanh, bền vững là xu hướng quan trọng trong ngành du lịch hiện nay và tương lai toàn cầu; thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai hiệu quả công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

“Hằng năm, tỉnh giao sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, vật thể; đồng thời, khai thác giá trị đa dạng sinh học và tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch chất lượng cao”, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông tin.

Gợi mở phát triển du lịch chất lượng cao

Với chính sách đầu tư ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, với tổng nguồn vốn hơn 47.800 tỷ đồng, diện tích hơn 10.500 ha; trong đó có 114 dự án đầu tư vốn trong nước, còn lại là vốn nước ngoài. Đến nay, 40 dự án đã hoàn thành toàn bộ, 37 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động một phần, 27 dự án đang triển khai xây dựng và 16 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch xanh bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế. Hoạt động du lịch Lâm Đồng thời gian qua chưa thể hiện rõ vai trò là một ngành kinh tế động lực của tỉnh. Chưa có tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án quy mô lớn, loại hình mới lạ, hấp dẫn, cao cấp vào địa phương; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để định vị giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nhằm phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch xanh tầm quốc gia và quốc tế, Tiến sĩ Phạm S gợi mở, du lịch Lâm Đồng cần tiếp tục quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 18-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó, chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, du khách từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều; cần có sự kết nối chiều sâu hơn giữa các vùng trong nước và các quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án du lịch quy mô.

Đồng thời, tỉnh cần có giải pháp thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa mà Lâm Đồng có rất nhiều lợi thế, song trong thời gian qua chưa được khai thác tương xứng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, yếu tố thành công của du lịch các nước cũng như ở nước ta thời gian qua là nhờ khai thác hiệu quả các giá trị đặc sắc của di tích lịch sử, văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên đưa vào kinh doanh du lịch.

Tiến sĩ Hằng phân tích, Singapore không có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa như Thái Lan, hay Việt Nam, nhưng nước này thu hút lượng du khách lớn hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Năm 2019, ngành du lịch Singapore ghi nhận con số cao kỷ lục với 19,1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt gần 28 tỷ đô-la Singapore.

“Thực tiễn cho thấy, quan trọng hàng đầu khi phát triển du lịch là phải có chiến lược xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, phong phú, hấp dẫn, dựa trên sự tôn trọng, bảo tồn các giá trị văn hóa; tạo được bản sắc của đất nước, địa phương”, Tiến sĩ Hằng nhìn nhận.

Ở Thái Lan, chính phủ xây dựng chính sách toàn dân làm du lịch, từ dịch vụ cho đến các sản vật địa phương đều mang bản sắc văn hóa dân tộc. Thái Lan đã kết hợp các hoạt động du lịch với hoạt động thương mại nhằm thu hút khách du lịch theo những cách hợp lý, nghệ thuật và mang lại hiệu quả cao nhất.

Nếu như Hàn Quốc, Nhật Bản sử dụng điện ảnh, âm nhạc như những công cụ để quảng bá đất nước, thì Thái Lan sử dụng các chiến dịch PR-marketing để nâng tầm du lịch. “Kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước là bài học quý cho quá trình hoạch định, xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng, nhất là phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên những đặc thù về di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng gợi ý.

Thay đổi tích cực để đạt các mục tiêu kinh tế, nhưng vẫn phải bảo đảm các yếu tố văn hóa-xã hội, cảnh quan-sinh thái-môi trường đặc thù địa phương, đây chính là giá trị cốt lõi trong sự phát triển du lịch Lâm Đồng trong thời gian tới.

“Cần lưu ý giữ gìn các công trình kiến trúc đặc trưng, bảo tồn và phát triển rừng thông và rừng đặc dụng ở vùng đệm; gắn quy hoạch Lâm Đồng với cụm du lịch liên hoàn trong nước và khu vực”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đề xuất; đồng thời, cần đầu tư chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng và dữ liệu số du lịch.

Số hóa các dạng thức khác nhau của di sản, để tạo các nền tảng giới thiệu về sản phẩm du lịch Lâm Đồng, thu hút khách từ xa và lan tỏa giá trị văn hóa, thiên nhiên với du khách trong và ngoài nước; phát huy sức mạnh của cộng đồng để phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích du lịch với cộng đồng và tận dụng sự sáng tạo của họ để “thương hiệu hóa” các điểm đến cho du lịch Lâm Đồng.

Trong Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có định hướng: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng, du lịch được xác định là ngành phát triển quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh” với sức hút là các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Lâm Đồng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong chiến lược phát triển du lịch. Trong đó, việc bảo vệ, đầu tư tôn tạo và khai thác hợp lý di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng sẽ ngày càng định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Bài và ảnh: Mai Văn Bảo

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 15/02/2024