Nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, Sa Đéc là đô thị lâu đời mang đậm nét đặc trưng văn hóa sông nước. Hơn 100 năm trước, vùng đất này đã được biết đến với xóm bột, rồi dần trở thành làng bột, góp phần tạo danh tiếng cho một thành phố hiền hòa, mến khách.
Làm bột gạo tươi tại cơ sở sản xuất của ông Tư Nương (Phường 2, thành phố Sa Đéc).
Mới đây, nghề làm bột gạo Sa Đéc (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) hơn 100 năm tuổi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khiến người dân rất vui. Ngược dòng thời gian, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xóm bột-làng bột Tân Phú Đông trở thành một trong những nơi làm bột và sản phẩm từ bột danh tiếng nhất vùng. Thế hệ đầu tiên khai mở cho làng nghề chính là dân của 150 năm trước. Nối bước tiền nhân, những người lao động cần mẫn, siêng năng làm bột vừa để giữ nghề, vừa để nuôi sống gia đình; đưa nghề làm bột lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một trong những điển hình đó là ông Nguyễn Văn Tao (sinh năm 1861). Sự kiên trì, bền bỉ với nghề khiến ông trở thành tấm gương cho con cháu và nhiều thế hệ trong gia tộc noi theo để giữ gìn, phát huy. Từ đời ông Tao truyền nghề cho con là Nguyễn Văn Phước (sinh năm 1891), đến đời tiếp theo là ông Nguyễn Văn Nương, tên thường gọi là Tư Nương (sinh năm 1943); và hiện nay, người được coi là truyền nhân của gia tộc làm bột này là chị Nguyễn Thị Ánh (sinh năm 1982). Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tư Nương, Chủ nhiệm Hội quán Làng bột Sa Đéc bồi hồi kể: “Làm bột là nghề truyền thống của gia đình tôi hơn 100 năm, có từ đời ông nội đến cha tôi, bây giờ truyền lại cho con tôi. Gia đình tôi cũng như bà con nơi này luôn nâng cao tay nghề. Mong sao nghề được tồn tại mãi mãi cho người dân trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, từ đó biết đến nghề bột xứ mình”.
Ban đầu, nghề làm bột với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bằng sức lao động của người thân trong gia đình. Gạo, nếp là nguyên liệu chính; nguồn nước để làm bột dồi dào bởi con sông Ngã Bát, rạch Ngã Cạy huyền thoại cho nước ngọt quanh năm không nhiễm phèn, được xử lý sạch. Chính vì thế mà bột Sa Đéc trắng phau, mịn nhuyễn không nơi đâu sánh kịp. Làm bột hiện nay đã tân tiến rất nhiều, các cơ sở sản xuất bột được cơ giới hóa, điện khí hóa trong nhiều khâu sản xuất. Đã có máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi, bồn lắng, hệ thống bơm, hút phụ phẩm… Tuy nhiên, dù công nghệ hiện đại đến đâu, vẫn có một điều đặc biệt khó có thể thay thế được. Theo đó, hầu hết người dân dùng chất trợ lắng tự nhiên trong sản xuất bột gạo là lá râm bụt hoặc lá cây vong vang, hoặc kết hợp cả hai. Đây là chất có nguồn gốc thiên nhiên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả lắng cao.
Thị trường tiêu thụ bột ngày nay đã phát triển, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân hàng trăm tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo… Bột Sa Đéc còn được cung cấp, tiêu thụ ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu đi một số nước. Sản phẩm bột được chia làm 2 loại: Bột tươi ướt được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng dự trữ lâu, chế biến dần. Từ bột, người ta có thể chế biến ra nhiều mặt hàng rất hấp dẫn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Hiện nay, nghề làm bột Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất với hơn 2.000 lao động, chủ yếu ở xã Tân Phú Đông và Phường 2.
“Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian nghề làm bột gạo Sa Đéc” đi qua hơn thế kỷ, nay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đã trải qua biết bao thăng trầm, góp phần cho sự phát triển của một vùng đất trù phú. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết: Thành phố có nhiều chính sách để vực dậy làng nghề, định hướng theo Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, thành phố xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm dựa trên điểm nhấn chính là kết hợp Làng nghề truyền thống sản xuất bột và Làng hoa Sa Đéc; khai thác các tour, tuyến du lịch tham quan Làng hoa Sa Đéc kết hợp tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất truyền thống cùng các nghệ nhân làng bột.
Bài và ảnh: Hữu Nghĩa