Đặc sắc du lịch cộng đồng tại miền Trung
Cập nhật: 28/01/2010
Nói đến các điểm du lịch cộng đồng “chuyên nghiệp” của đồng bào dân tộc đang sinh sống trên dãy Trường Sơn, các hãng lữ hành, các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch và rất nhiều du khách có thể nói ngay đến thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế và bản KLu - một bản mới đi vào hoạt động du lịch cộng đồng, thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Bản KLu đón khách

              Chung tay làm du lịch cộng đồng

Huyện miền núi Đakrông nằm bên cạnh tuyến quốc lộ 9. Theo thống kế, hàng năm có khoảng 30.000 khách du lịch trong và ngoài nước qua lại trên tuyến quốc lộ này. Không những thế, Đakrông rất phong phú về tài nguyên thiên nhiên như: dãy núi Ta Lung, núi KLu, suối nước nóng KLu, khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông; lưu giữ nhiều di tích thắng cảnh có giá trị như: dòng sông Đakrông đậm chất sử thi, điểm khởi đầu đường 14A - đường Trường Sơn, quốc lộ 9 đoạn Km50, cầu treo Đakrông… và sở hữu một không gian thuần dân tộc, đậm chất truyền thống…

Với lợi thế này, Đakrông có khả năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Vừa qua, Phòng Văn hoá thông tin huyện Đakrông đã phối hợp với UBND xã Đakrông xây dựng bản KLu thành điểm du lịch cộng đồng nhằm thu hút du khách đến với bản KLu nói riêng và huyện Đakrông nói chung, đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển các nghề thủ công truyền thống, các lễ hội văn hóa, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây và từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Ông Hồ Văn Hùng giới thiệu các công đoạn làm rượu cần

Các nghệ nhân trong huyện Đakrông như: Hồ Văn Hồi, Mai Hoa Sen, Hồ Văn Hùng... được mời tham gia xây dựng bản KLu thành điểm du lịch cộng đồng. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, dân bản KLu đã tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm đặc sắc, mẫu mã đẹp phục vụ khách du lịch và mang đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh; chế tác và sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống như: tù và, khèn bè, sáo tirel và biết nấu rượu cần truyền thống.

Bên cạnh đó, bản KLu đã thành lập một đội văn nghệ mà nòng cốt của đội là các nam thanh, nữ tú có năng khiếu về ca nhạc, yêu thích các điệu múa dân tộc Vân Kiều như: Cà Lơi, Cha Chấp, Tà Oải, Xà Nớt...

Nhằm học hỏi kinh nghiệm, người dân bản KLu còn được tham quan, du lịch điểm du lịch cộng đồng bản Lác ở Hoà Bình. Qua đây, dân bản đã ý thức rõ vai trò của mình như một người hướng dẫn viên du lịch.

Ngày nay, đến với bản KLu, du khách không những có dịp nghỉ ngơi trong nhà sàn, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của dân tộc Vân Kiều mà còn có dịp đắm say trong men rượu cần, nếm thử các món ăn truyền thống, tìm hiểu về một số nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, chế tác nhạc cụ, đan lát…, đặc biệt du khách có dịp tham quan, tắm suối nước nóng KLu – một dòng suối có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng bicarbonate và canxi trong nước suối dao động từ 300 - 400mg mỗi lít, giúp tiêu hoá tốt, chống ợ chua. Chất metasilic với hàm lượng trên 500mg/ một lít nước có khả năng chống viêm nhiễm.

Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, người từng đến vùng đất này nghiên cứu, con suối này còn gắn liền với nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong hội nghị Khoa học quốc tế về khảo cổ tại Chiềng Mai (Thái Lan), Giáo sư đã báo cáo vấn đề này tại hội nghị và nơi đây đã được đánh dấu trên bản đồ khảo cổ học thế giới.

Vui vầy nơi thôn Dỗi

                         Nhà Guơl ở thôn Dỗi

Trước năm 2004, thôn Dỗi là thôn nghèo nhất nhì của xã Thượng Lộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế hướng dẫn, bảo trợ để làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, đến nay, thôn Dỗi đã rất phát triển với loại hình du lịch cộng đồng. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Du khách đến thôn Dỗi, ấn tượng đầu tiên hiện ra trước mắt du khách: ở cổng thôn, trước sân ngôi nhà Guơl truyền thống, du khách sẽ được chào đón bằng những tiết mục múa, hát, trình diễn nhạc cụ truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Kết thúc màn chào hỏi, du khách có thể tham quan, giao lưu với người dân trong nhà Guơl; tìm hiểu những nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống như: dệt vải, đan lát…; tham gia một số loại hình du lịch như: tham quan nhà vườn, thác nước Kazan hùng vĩ…; cùng người dân lao động, sản xuất, làm sạch môi trường,... và thưởng thức một số đặc sản như: mật ong rừng nguyên chất, lợn nướng, cơm ống tre, cá suối nướng… Đặc biệt, nếu có dịp qua đêm ở đây, bên bếp lửa bập bùng, du khách sẽ được nghe chuyện từ thời mở đất của người Tà Ôi ở Nam Đông, nghe tiếng kèn sừng dê…

                      Cảnh đẹp ở thôn Dỗi

Theo số liệu thống kê, năm 2004, năm đầu tiên loại hình du lịch này mới đi vào hoạt động, thôn Dỗi thu hút khoảng 95 đoàn khách nước ngoài (chủ yếu là khách Nhật) và 200 lượt khách trong nước. Năm 2008, lượng du khách trong nước đã tăng lên đáng kể, khoảng 400 lượt. Du khách đến thôn Dỗi thường rất thích thú với những hoạt động cộng đồng được xây dựng ở đây.

Theo chị Tomomi - một khách du lịch Nhật bản, Chị rất thích thú khi được đến đây, ở Nhật hoàn toàn không có những nét văn hoá rất đặc sắc như ở đây.

Theo chị Yzuki – du khách Nhật Bản: chị thấy khuôn mặt của các em nhỏ ở đây thật dễ thương và trong sáng. Hình thức du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi, có thể nhân rộng ra cho nhiều địa phương khác.


                                                                                                            Thanh Hải biên tập
TITC