Sơn La: Tạo sức hút du lịch trên cao nguyên Mộc Châu
Cập nhật: 03/05/2024
Cùng với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, từng di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đang là nguồn tài nguyên vô giá, tạo nên sức hút đối với du lịch của cao nguyên Mộc Châu, góp phần phát triển “ngành công nghiệp không khói” bền vững, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.

Di tích lịch sử quốc gia Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Mộc Châu có 14 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng công nhận; trong đó, có 3 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh, nhiều di tích đã và đang phát huy tốt giá trị trong việc giáo dục truyền thống và thu hút du khách đến tham quan. Điển hình như: Di tích lịch sử nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, công nhân Nông trường Mộc Châu; Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến; Di tích Đồn Mộc Lỵ; Đồn Pa Lay; Chùa Vặt Hồng, thác Dải Yếm...

Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến nằm trên đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu. Gồm các hạng mục: Khu nhà truyền thống, các bức phù điêu, đài tưởng niệm, bia ghi danh chiến sĩ Tây Tiến, khu hoài niệm, đài vọng tưởng. Tháng 11/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Pha Luông, đơn vị quản lý Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, thông tin: Nơi đây bảo tồn, giới thiệu những hiện vật, hình ảnh của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa. Trung bình mỗi năm, Di tích đón trên 30.000 lượt khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu; đồng thời, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận, đó là: Lễ hội Hết chá và xòe Thái của dân tộc Thái; lễ Cấp sắc và nghi lễ truyền thống trong đám cưới của dân tộc Dao; nghi lễ cúng dòng họ, múa khèn và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông. Hằng năm, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc vào dịp Quốc khánh 2/9, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, góp phần giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.

Trình diễn múa sạp của đồng bào dân tộc Mường tại Tuần Văn hóa, du lịch huyện Mộc Châu năm 2023.

Lễ hội Hết chá được tổ chức vào tháng 3 hằng năm tại bản Áng, xã Đông Sang, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia và trải nghiệm. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Mộc Châu. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: Lễ hội Hết chá là phong tục tín ngưỡng tâm linh độc đáo, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng, giới thiệu văn hóa, con người Mộc Châu với du khách trong và ngoài nước. Đến với lễ hội, người dân và du khách được tham gia các trò chơi dân gian, xem cách người Thái xưa lấy lửa bằng tre và thưởng thức những món ăn dân tộc hấp dẫn.

Tái hiện hình ảnh lao động sản xuất tại Lễ hội Hết chá, bản Áng, xã Đông Sang.

Mộc Châu còn chú trọng việc bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt là xòe Thái, nhảy Tha Kềnh của người Mông, múa chuông của người Dao… Hiện, loại hình du lịch cộng đồng đã và đang hình thành tại nhiều bản của một số xã trên địa bàn huyện, như: bản Áng, xã Đông Sang; bản Dọi, xã Tân Lập; bản Vặt, xã Mường Sang...

Ấn tượng khi đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Áng, xã Đông Sang, chị Lê Quỳnh Trang, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Ở đây không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ, chúng tôi được trải nghiệm ở nhà sàn, nằm đệm bông gạo, thưởng thức những món đặc sản của đồng bào dân tộc, tham gia đêm giao lưu văn nghệ với men rượu cần ngọt ngào, tay trong tay, hòa mình vào những điệu múa xòe Thái vô cùng đặc sắc và ấn tượng.

Trình diễn múa sạp của đồng bào dân tộc Mường tại Tuần Văn hóa, du lịch huyện Mộc Châu năm 2023

Triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Năm 2022-2023, huyện Mộc Châu đã hỗ trợ hoạt động và xây dựng 6 đội văn nghệ truyền thống dân tộc tại bản Tà Số 1, 2, xã Chiềng Hắc; Bản Áng, xã Đông Sang; bản Là Ngà, bản Lùn, bản Vặt, xã Mường Sang, với tổng số 80 diễn viên quần chúng, được tổ chức tập luyện và thường xuyên tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ dân ca, điệu múa dân gian, tấu nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, thông tin: Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cũng như giá trị văn hóa các dân tộc, gắn với du lịch, được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Mộc Châu phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; khôi phục, duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa, cũng như giá trị văn hóa các dân tộc đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch của Mộc Châu ngày một phát triển, tương xứng với tiềm năng của khu du lịch quốc gia.

Bài, ảnh: Duy Tùng

Báo Sơn La - baosonla.org.vn - Đăng ngày 03/05/2024