Hội Tết dân tộc Xuân Canh Dần 2010 (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) diễn ra từ ngày 7 – 18/2/2010 (từ ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Sửu đến ngày 5 tháng Giêng năm Canh Dần) với nhiều hoạt động mới mẻ, nổi bật nhằm thu hút du khách và phục vụ nhân dân.
Một trong những hoạt động nổi bật mở đầu cho hội Tết sẽ là “Ngày hội bánh Tết vì người nghèo” diễn ra từ ngày 28 tháng Chạp năm Kỷ Sửu. Năm ngoái, lần đầu tiên Hội An tổ chức ngày hội gói, nấu bánh tét tặng người nghèo đã thu hút được hơn 30 đơn vị tham gia và đã huy động được hơn 6.000 đòn bánh tét, trao tặng cho các hộ khó khăn của thành phố. Năm nay, thay vì chỉ tổ chức gói bánh tét, Ban tổ chức đã mở rộng nội dung món quà tết cho người nghèo bằng đủ các loại bánh Tết cổ truyền của xứ Quảng như: bánh tét, bánh lăn, mứt các loại. Có khoảng 50 đơn vị đăng ký tham gia và sẽ có khoảng hơn 1.300 hộ nghèo, cận nghèo của thành phố sẽ được tặng bánh Tết gồm: bánh tét, mứt và gạo ngon.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa & Thể thao Hội An cho biết: Hội thi là cách để giới thiệu một nét đẹp văn hoá truyền thống trong hoạt động dân gian ngày Tết đến với đông đảo du khách; đồng thời mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi toàn bộ sản phẩm dự thi sẽ là quà Tết dành cho hộ khó khăn ở thành phố. Đặc biệt, từ chiều đến đêm 28 tháng Chạp, tại bãi bồi Đồng Hiệp, đối diện với khu phố cổ Hội An, sẽ tổ chức nấu bánh tét. Đây vừa là hoạt động kết nối cộng đồng lại với nhau, vừa là điểm tham quan để du khách tìm hiểu về một nét văn hóa trong cái Tết truyền thống của dân tộc.
Diễn ra từ ngày 30 Tết cho đến 14 tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là Hội đèn lồng Hội An lần thứ 2. Nét mới trong lễ hội lần này là việc xã hội hóa được các hoạt động văn hóa. Theo Ban tổ chức, năm nay hội đèn lồng sẽ không quy tụ về một điểm mà sẽ trải dài khắp không gian công cộng phố cổ. Các tác phẩm lồng đèn nghệ thuật đơn sẽ được treo ở các góc phố để du khách và người dân chiêm ngưỡng, bình chọn. Đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hội An. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng vận động 6 doanh nghiệp đảm nhận sắp đặt lồng đèn tại các khu vực công cộng. Các tác phẩm lồng đèn dự thi sẽ được sáng tạo, trưng bày theo chủ đề mừng sự kiện kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; cát tường; biểu tượng của Hội An,...
Hội đón Giao thừa sẽ là điểm nhấn cao trào của Hội Tết dân tộc với hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra trên khắp các đường phố Hội An. Các đoàn chúc Xuân, diễu hành múa đèn lồng, hóa trang. Đoàn võ binh, tái hiện du hồ, diễu hành xe hoa sẽ cùng nhau đi khắp phố phường bày cuộc vui, mời du khách hòa chung không khí hào hứng đón chào Năm mới cùng với cư dân phố cổ.
Vào thời khắc Giao thừa, sẽ đồng loạt bắn pháo hoa tại 3 điểm. Và các đình chùa, nhà thờ, di tích trên toàn thành phố sẽ cùng gióng chuông, đánh chiêng, trống hòa nhịp cùng với cả nước đón chào Năm mới. Một điều khá thú vị là thời khắc Giao thừa cũng là giây phút đầu tiên của ngày lễ Tình nhân (14/2). Đoàn Thanh niên TP Hội An sẽ phối hợp với các tình nguyện viên tổ chức bán hoa, quà tặng cho ngày tình nhân. Toàn bộ số tiền thu được sẽ gây quỹ từ thiện giúp học sinh nghèo vượt khó của Hội An. Trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, trong ánh sáng rực rỡ của phần bắn pháo hoa, Ban tổ chức sẽ mời du khách cùng người dân tham gia khiêu vũ và có những lời chúc tốt đẹp cho năm mới, cho ngày tình nhân đầy yêu thương, hạnh phúc.
Bên cạnh những hoạt động vui chơi, thể thao, văn hóa khác, năm nay, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, tại Quảng trường sông Hoài sẽ diễn ra chương trình biểu diễn “Chuyện lạ Việt Nam” với sự góp mặt của “phù thủy” nhạc cụ Mai Đình Tới và võ sĩ nội công Quốc Cường.