Khánh Hòa: Ẩm thực Nha Trang trong lòng du khách
Cập nhật: 09/05/2024
Cách đây hơn 20 năm, vào tháng 6-2003, lần đầu tiên TP. Nha Trang tổ chức Festival biển với tên gọi “Nha Trang - Điểm hẹn”. Thời gian diễn ra sự kiện này, khách du lịch trong và ngoài nước đến thành phố rất đông, trong số ấy có khá nhiều người Pháp tới từ Morbihan (một tỉnh thuộc vùng Bretagne) - tỉnh kết nghĩa với Khánh Hòa. Gia đình tôi vốn quen biết với ông Ivon Dupré - Chủ tịch Hội Mặt trời Pháp ngữ tỉnh Morbihan nên mọi thông tin về chuyến đi của ông bà, chúng tôi đều biết. Cùng đi với ông bà Dupré lần ấy có con trai của ông là anh Eric và vợ là chị Anne. 

Một hôm, tại khách sạn Viễn Đông (nay là khách sạn Trần - Viễn Đông), nơi gia đình người Pháp ở, trong lúc trò chuyện, Eric đã hỏi vợ chồng tôi về việc muốn mua một cái bếp để nướng thịt. Tôi hỏi thêm mới biết, tối hôm trước, vợ chồng anh cùng những người trong đoàn đã dùng món thịt bò nướng ở quán Lạc Cảnh. Do quá thích món này nên Eric muốn mua một bếp lò làm bằng đất nung để mang về Pháp.

Khách Tây học làm món ăn Việt.

Cũng qua trò chuyện, chúng tôi được biết, những người khách Pháp rất thích Nha Trang, không chỉ vì nơi đây có khí hậu và phong cảnh tuyệt vời cùng những di tích độc đáo mà còn có cả những món ăn đặc biệt. Thưởng thức các món đặc sản như: Phở, nem nướng, bánh xèo, bún chả, bún cá… ai cũng tấm tắc khen. Có chị còn hỏi tôi về cách làm món nước chấm nem nướng sao cho sền sệt, béo béo, bùi bùi. Tôi nói cần có gạo nếp, thịt xay, gan heo, tôm tươi và nhiều loại gia vị khác, các bạn Pháp cười, bảo “không thể làm được vì quá cầu kỳ”. Có lần những khách Pháp còn nhờ chúng tôi dẫn đến quán để tận mắt chứng kiến và thưởng thức món bánh ướt. Người bán khéo léo tráng từng chiếc bánh mềm, dai, rồi cho ra đĩa, phủ lên trên một chút hành mỡ, ruốc thịt, mấy lát chả lụa, chấm với nước mắm chua cay, sao mà hấp dẫn! Khách nước ngoài còn cảm thấy rất thú vị là sau khi ăn, chủ quán chỉ cần đếm chồng đĩa trước mặt du khách để tính tiền.  

Không chỉ khách đến từ các quốc gia khác, bạn bè trong nước khi đến Nha Trang cũng rất thích các món đặc trưng hương vị của biển, chẳng hạn: Bún cá, bún sứa, bánh canh chả cá, bánh xèo tôm mực, tôm hùm nướng, mực rim, gỏi cá mai, cá nướng ớt xiêm xanh - những món dân dã nhưng vô cùng lôi cuốn. Nhiều người còn mua đặc sản Nha Trang về làm quà cho người thân, bạn bè như: Yến sào, rong biển sấy khô, bánh tráng xoài và các loại hải sản khô.

Trước khi đi du lịch đến một vùng đất nào đó, hầu như du khách nào cũng tìm kiếm trên mạng thông tin về vùng đất ấy, về các danh lam thắng cảnh, nơi vui chơi độc đáo và không quên tìm những địa chỉ ẩm thực đặc sắc, những món ngon độc, lạ. Hiện nay, trên thế giới, trong cơ cấu chi tiêu của du khách cho một chuyến đi có đến 1/3 là chi tiêu cho nhu cầu ẩm thực. Chính vì thế, cùng với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực đang ngày càng trở thành xu thế và chiếm vai trò không hề nhỏ trong sự phát triển kinh tế tại các địa phương.

Gỏi cá mai Nha Trang - món đặc sản được Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam cấp giấy chứng nhận trong Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022. 

Ở Khánh Hòa nói chung, Nha Trang nói riêng, những năm qua, cùng với việc tạo dựng thương hiệu về ẩm thực, công tác quảng bá lĩnh vực này ngày càng được các cơ quan, đơn vị, cá nhân chú trọng. Bên cạnh những website chuyên về du lịch, Báo Khánh Hòa có chuyên mục “Hương vị quê nhà” duy trì trong nhiều năm, được rất đông bạn đọc quan tâm. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh như: Ngô Văn Ban, Võ Khoa Châu (đã mất) hay nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền… cũng có một số công trình nghiên cứu, giới thiệu về văn hóa ẩm thực tại địa phương. Đặc biệt, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã trao chứng nhận cho tỉnh Khánh Hòa, công nhận 3 món đặc sản trong Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022 là nem nướng Ninh Hòa, bún lá cá dầm Ninh Hòa, gỏi cá mai Nha Trang.

Với nhiều nguồn nguyên liệu phong phú, Khánh Hòa có đủ tiềm năng để phát triển cả 3 nền văn hóa ẩm thực, gồm ẩm thực biển, đảo, ẩm thực đồng bằng, ẩm thực núi rừng. Đối với Nha Trang, ẩm thực mang một phong cách riêng, có hương vị mặn mòi của biển cả, có một chút ngọt ngào của vùng đất mưa thuận gió hòa. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục quảng bá du lịch qua nhiều hình thức, cần tổ chức các cuộc thi về ẩm thực nhằm tôn vinh, khuyến khích các đầu bếp giỏi, giúp họ tìm tòi, sáng tạo nên những lối đi mới. Một món ăn ngon, hấp dẫn thực khách, ngoài nguồn nguyên liệu an toàn phải kể đến tài năng của người chế biến. Chính những đầu bếp giỏi sẽ tạo nên những dấu ấn khó quên đối với du khách qua những món ăn độc đáo. Thêm vào đó, cần tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm như thời gian gần đây, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và du khách.

Cùng với tổ chức các phiên chợ ẩm thực về đêm hay các cuộc liên hoan, festival về ẩm thực, việc đưa chương trình dạy nấu ăn vào nội dung ở một số tour du lịch (nếu có điều kiện) cũng là hình thức cần được triển khai. Điều này vừa góp phần quảng bá văn hóa của điểm đến, vừa làm tăng sự thú vị trong chuyến đi của du khách. Đối với người dân, tiểu thương tham gia các hoạt động ẩm thực đường phố, ẩm thực gắn với du lịch cộng đồng, cần có những lớp bồi dưỡng, giúp họ trang bị kiến thức về vai trò của văn hóa ẩm thực truyền thống, cũng như thái độ ứng xử trong quá trình phục vụ. Đối với đội ngũ hướng dẫn viên, nên có kế hoạch trang bị kiến thức giúp họ nắm được nguồn gốc xuất xứ món ăn, nguyên liệu, cách chế biến, thưởng thức theo phong cách của địa phương...

Ẩm thực Nha Trang đã, đang và sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến với vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng này.

Ngọc Anh

Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Đăng ngày 07/05/2024